Xây dựng và bảo dưỡng công trình giao thông đường sắt

Giới thiệu chung về nghề

Nghề Xây dựng và bảo dưỡng công trình giao thông đường sắt gồm: Xây dựng và bảo dưỡng đường sắt, bảo dưỡng cầu đường sắt, cống đường sắt, hầm đường sắt.

Các vị trí làm việc của nghề

Người hành nghề Xây dựng và bảo dưỡng công trình giao thông đường sắt làm việc tại các công trình đường sắt, cầu, cống, hầm đường sắt.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Lắp đặt đường sắt, đường ngang như lắp đặt ray, tà vẹt, phối kiện cấu thành kết cấu tầng trên đường sắt, nâng chèn đường, giật đường, lắp đặt ghi, lắp đặt kết cấu đường ngang ở mức độ cơ giới thấp bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật, an toàn lao động;
  • Bảo dưỡng đường sắt, đường ngang bao gồm bảo dưỡng: cự ly, thủy bình, phương hướng, cao thấp, ray, tà vẹt, ba lát, phối kiện liên kết, ghi, mặt lát đường ngang, khe ray hộ bánh, đầu thoi, bảo dưỡng nền đường, hệ thống thoát nước, hệ thống gia cố nền đường, bảo dưỡng các biển mốc chỉ dẫn và báo hiệu trên đường sắt, điều chỉnh khe hở ray ở mức độ cơ giới thấp bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật, an toàn lao động, an toàn chạy tàu trong thi công;
  • Bảo dưỡng cầu thép, cầu bê tông, cống trên đường sắt bao gồm bảo dưỡng: dầm cầu, mạ thượng, mạ hạ, thanh chéo, các mối liên kết, sân cống, lòng cống, cửa cống, hố tiêu năng, tường đầu, tường cánh, mố trụ cầu, gối cầu, khe co dãn, đường người đi, ván tuần đường, lan can, bảo dưỡng hộ mố, hộ đáy lòng sông ở mức độ cơ giới thấp bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật, an toàn lao động, an toàn chạy tàu trong thi công;
  • Bảo dưỡng hầm bao gồm bảo dưỡng: vỏ hầm, hệ thống thoát nước, cửa hầm, hang tránh trong hầm, rãnh đỉnh, rãnh ngang của hầm, sân thượng, hệ thống thông gió, hệ thống gia cố ở mức độ cơ giới thấp bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật, an toàn lao động, an toàn chạy tàu trong thi công;
  • Kiểm tra trạng thái kỹ thuật của công trình giao thông đường sắt như kiểm tra: cự ly, thủy bình, phương hướng, cao thấp, ray, tà vẹt, ba lát, phối kiện liên kết, ghi, mặt lát đường ngang, khe ray hộ bánh, đầu thoi, nền đường, hệ thống thoát nước, hệ thống gia cố nền đường, các biển mốc chỉ dẫn và báo hiệu trên đường sắt, khe hở ray, dầm cầu, mạ thượng, mạ hạ, thanh chéo, các mối liên kết, sân cống, lòng cống, cửa cống, tường đầu, tường cánh, mố trụ cầu, gối cầu, khe co dãn, đường người đi, ván tuần đường, lan can, hộ mố, hộ đáy lòng sông, hầm.

Điều kiện và môi trường làm việc: Điều kiện làm việc của nghề tương đối đa dạng: Các công việc xây dựng mới và sửa chữa diễn ra tại hiện trường, tại công trình đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt. Ngoài ra, công tác bảo dưỡng và sửa chữa còn được tiến hành trong khi khai thác chạy tàu nên rất phức tạp, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt (mưa to, bão, lũ lụt, nắng nóng….) công tác sửa chữa và bảo dưỡng càng được chú trọng và tăng cường canh gác các điểm xung yếu. Vì thế công tác an toàn cho người hành nghề và an toàn chạy tàu là rất quan trọng.

Bối cảnh thực hiện công việc: Ngoài những công việc của nhiệm vụ xây dựng mới, các công việc thuộc những nhiệm vụ còn lại của nghề được thực hiện trong bối cảnh vẫn khai thác chạy tàu trên các công trình giao thông đường sắt.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

  • Máy xiết cóc.
  • Máy chèn loại nhỏ.
  • Máy khoan ray.
  • Máy nâng mối gục.
  • Máy đóng đinh.
  • Máy mài ray.
  • Máy cưa ray.
  • Máy khoan ray.
  • Máy phun cát tẩy rỉ.
  • Máy sàng đá loại nhỏ.
  • Các loại dụng cụ thiết bị như: thước cự ly thủy bình, thước thép, kích, cuốc chèn, ca pô, xà beng, xẻng, cờ lê, các tín hiệu phòng vệ thi công, búa, khoan.