Xây dựng công trình thuỷ

Giới thiệu chung về nghề

Với đặc điểm địa hình, vị trí địa lý, đất nước ta có hệ thống sông ngòi nội địa đa dạng tập trung ở Đồng bằng Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long rất thuận lợi cho phát triển giao thông thủy nội địa. Để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghề Xây dựng công trình thuỷ ngày càng giữ vai trò quan trọng. Nhiệm vụ của nghề Xây dựng công trình thuỷ bao gồm việc xây dựng, sửa chữa, duy tu các công trình bến cảng, công trình chính trị, công trình bảo vệ bờ và một số công trình khác như: âu, đập, cống thoát nước…

Các vị trí làm việc của nghề

Người hành nghề có thể đảm nhiệm công tác thi công, quản lý khai thác các công trình thuỷ tại đơn vị thi công, đoạn quản lý đường thuỷ, bến cảng và một số đơn vị có liên quan đến nghề.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Chuẩn bị thi công;
  • Thi công đất đá;
  • Xử lý nền đất yếu;
  • Chế tạo cấu kiện bê tông cốt thép;
  • Thi công móng cọc đúc sẵn;
  • Thi công cọc bê tông đổ tại chỗ (cọc khoan nhồi);
  • Thi công mố trụ;
  • Thi công công trình bến;
  • Thi công nạo vét;
  • Thi công công trình bằng khối xếp;
  • Thi công công trình chính trị;
  • Thi công công trình triền tàu;
  • Thi công âu tàu;
  • Thi công đập khoá;
  • Thi công cống thoát nước;
  • Hoàn thiện công trình;
  • Thực hiện an toàn lao động.

Xây dựng công trình thuỷ là nghề lao động nặng nhọc, người hành nghề thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với môi trường nước, có lúc phải làm việc trên cao hoặc dưới hố móng sâu, luôn chịu nắng gió, bụi và tiếng ồn và thường phải di chuyển vị trí làm việc.

Người hành nghề Xây dựng công trình thuỷ cần có kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành các công việc của nghề để xây dựng, duy tu, sửa chữa các dạng công trình thuỷ.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

  • Các máy phục vụ thi công đất đá.
  • Máy thi công bê tông.
  • Máy khoan, đóng, ép cọc.
  • Thiết bị thi công nạo vét và các dụng cụ thi công.