Vận hành và sửa chữa trạm thủy điện

Giới thiệu chung về nghề

Nghề Vận hành và sửa chữa trạm thủy điện là một nghề với nhiệm vụ vận hành, theo dõi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh, bảo dưỡng và xử lý sự cố trong một trạm thủy điện (Nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với công suất của tổ máy dưới 30MW);

 Các vị trí làm việc của nghề

Người có trình độ nghề Vận hành và sửa chữa trạm thủy điện có thể tự đảm nhận được nhiệm vụ lắp đặt, bảo trì, tham gia sửa chữa; vận hành phần điện, phần máy của trạm thủy điện; vận hành trạm bơm ở mức độ vừa và nhỏ và có thể làm việc trong một số lĩnh vực liên quan đến thủy điện.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Vận hành tuyến năng lượng;
  • Vận hành tuabin thủy lực;
  • Vận hành máy phát thủy điện;
  • Vận hành máy biến áp;
  • Vận hành hệ thống điện tự dùng xoay chiều;
  • Vận hành hệ thống điện tự dùng một chiều;
  • Vận hành hệ thống dầu;
  • Vận hành hệ thống khí nén;
  • Vận hành hệ thống thông gió;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa tuyến năng lượng;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa tua bin;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống dầu;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống nước;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống khí nén của trạm thủy điện, đảm bảo an toàn và kinh tế.

Trạm thủy điện là một dây chuyền công nghệ sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng nước của thiên nhiên. Các thiết bị trong dây chuyền và hệ thống điều khiển hiện đại và tự động hóa cao nên yêu cầu người lao động phải có kiến thức và kỹ năng đầy đủ để làm chủ thiết bị trong dây chuyền công nghệ.

Yêu cầu về thái độ và đạo đức nghề nghiệp:

  • Có phẩm chất đạo đức.
  • Tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc.
  • Trung thực, hợp tác với đồng nghiệp, sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ được giao phù hợp với năng lực của bản thân.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

Các thiết bị trong trạm thủy điện bao gồm các thiết bị cơ khí thủy lực, các thiết bị điện, thiết bị nâng, hệ thống công trình xây dựng, hồ chứa… tạo thành một thể thống nhất cần thiết cho một trạm thủy điện.