Tương lai ngành Logistics và Công nghệ Xanh

Trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp logistics tham gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN)” (Aus4Skills VET) thuộc Chương trình Aus4Skills (Chương trình Úc cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực) do Chính phủ Úc và Việt Nam hợp tác triển khai giai đoạn 2016 – 2025, sáng ngày 30/8/2023 tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp  phối hợp với Dự án Aus4Skills VET và Đại học Quốc tế RMIT Melbourne, Australia (RMIT) tổ chức Hội thảo trực tuyến số 3 với chủ đề Tương lai ngành Logistics và Công nghệ Xanh. Sự kiện thuộc chuỗi 05 hội thảo trực tuyến về Chuyển đổi số và Sáng tạo số trong GDNN Dự án triển khai năm 2023 nhằm tăng cường năng lực cơ sở GDNN về chuyển đổi số đồng thời kết nối doanh nghiệp và cơ sở GDNN trong đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho người học. Hơn 50 đại biểu tham dự Hội thảo gồm đại diện Tổng cục GDNN, Dự án Aus4Skills VET, RMIT, 16 trường cao đẳng thụ hưởng Dự án, các doanh nghiệp logistics và các thành viên Cộng đồng phát triển chuyên môn ngành Logistics.

Ông Peter Nemtsas, chuyên gia của RMIT
Ông Peter Nemtsas, chuyên gia của RMIT

Trong bài trình bày về Tương lai ngành Logistics, Ông Peter Nemtsas, chuyên gia của RMIT phân tích các giải pháp ứng phó với các thách thức của ngành hiện nay như thiếu nhân lực có kỹ năng, chưa sẵn sàng áp dụng công nghệ mới, triển khai thiếu linh hoạt, duy trì mức độ tồn kho tiêu chuẩn, CMCN 4.0 và các thiết bị thông minh. Ông trình bày các giải pháp đối với thách thức của CMCN4.0 gồm tự động hóa, giao tiếp giữa máy với máy (machine to machine communication, giao tiếp giữa người và máy (human- to- machine communication) và trí tuệ nhân tạo (AI). Các giải pháp công nghệ cụ thể được giới thiệu bao gồm AGVs /AMRs (công nghệ Robot tự hành), thiết bị đeo người (có màn hình hiển thị như máy tính đeo tay, máy quét đeo ngón tay bluetooth…), băng tải thông minh, robot vệ sinh, phần mềm theo dõi tài sản, thiết bị bay điều khiển từ xa, robot gắn AGV, AMR, Cloud (quản lý tài nguyên thời gian thực, phát hiện kịp thời vấn đề, giải quyết, hỗ trợ từ xa…). Ông Peter Nemtsas chia sẻ các thách thức trong ngành Logistics trong tương lai gồm năng suất cao hơn, dịch vụ nhanh hơn, thời gian quay vòng ngắn hơn, nâng cao kỹ năng nghề, nhiều vai trò thử thách hơn, tính chính xác cao hơn, tự động hóa, linh hoạt và thích ứng. “Để đáp ứng nhu cầu logistics trong tương lai, tự động hóa sẽ được áp dụng rộng rãi theo đó đặt ra yêu cầu về đào tạo và phát triển kỹ năng số” – Ông Peter Nemtsas nhấn mạnh. Về giải pháp chuyển đổi xanh, các nội dung được trình bày liên quan đến nguồn cung ứng, Năng lượng tái tạo, Vận chuyển, Nhà máy, Bao bì, Văn phòng, Kho hàng, Cửa hàng và Tái chế.

02 bài trình bày từ đại diện 02 doanh nghiệp logistics cung cấp thông tin thực tiễn chuyển đổi số và giải pháp xanh hóa tại doanh nghiệp.

Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Cổ phần Giải pháp TKELOG (thành lập năm 2010) hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ logistics đã chia sẻ cách thức TKELOG khai thác công nghệ để tối ưu hóa quy trình vận hành kho, chuẩn hóa thiết kế sắp đặt trong Kho, hệ thống cảnh báo hết hạn, tăng chính xác trong dán nhãn đóng gói hàng hóa, tối ưu hóa lưu trữ trong kho…Tiếp đến, Ông Trần Duy Khiêm, Trưởng Phòng Phát triển doanh nghiệp Tập đoàn Logistics U& I (U&I Logistics Corporation) – doanh nghiệp có kinh nghiệm 20 năm hoạt động, hơn 700 nhân viên và thuộc trong Top 1 về hệ thống nhà kho của Đông Nam Á trình bày về ứng dụng số hóa trong quản lý kho, các quy trình xử lý containers hàng hóa xuất khẩu và các giải pháp chuyển đổi xanh của Tập đoàn.

Ông Trần Duy Khiêm, Tập đoàn Logistics U&I trình bày tại Hội thảo
Ông Trần Duy Khiêm, Tập đoàn Logistics U&I trình bày tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi xanh, Ông Phạm Ngọc Tuyển – Trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng Cơ giới Thủy lợi Đồng Nai (VCMI) nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện gồm Xanh hóa: khuôn viên trường, phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo, cộng đồng, và văn hóa. Ông cũng chia sẻ về mô đun học trực tuyến về Xanh hóa đang được Nhà trường hoàn thiện để trang bị kỹ năng xanh cho người học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao các bài trình bày và phiên thảo luận tại Hội thảo. Thông tin, kiến thức chuyên môn từ Hội thảo được đánh giá hữu ích, thiết thực cho các bên liên quan nhất là đối với các cơ sở GDNN trong việc nắm bắt thực tiễn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ xanh tại doanh nghiệp để cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo nhằm trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng cần thiết cho người học. Nội dung chia sẻ tại Hội thảo cũng khích lệ doanh nghiệp và cơ sở GDNN hợp tác chặt chẽ vì lợi ích của 2 bên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng.

Hội thảo trực tuyến tiếp theo (hội thảo số 4) trong chuỗi 05 hội thảo trực tuyến nêu trên với chủ đề Thực tiễn tốt trong giảng dạy trong chuyển đối số và sáng tạo được tổ chức ngày 6/9/2023 và Sự kiện tổng kết chuỗi hội thảo sẽ diễn ra trong ngày 7/10/2023. Các nội dung có giá trị lan tỏa cao trong chuỗi 5 hội thảo sẽ được lựa chọn để chia sẻ tại Diễn dàn quốc tế về GDNN do Đại sứ quán Úc, Chương trình Aus4Skills và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức với chủ đề  “Phát triển Kỹ năng ngành Logistics trong Kỷ nguyên số”, dự kiến diễn ra ngày 24/10/2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Úc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao Úc và Việt Nam./.

Nguyên Phương