Trắc địa công trình

Giới thiệu chung về nghề

Trắc địa công trình là nghề khảo sát thiết kế công trình, thi công và giám sát thi công xây dựng, quan trắc chuyển vị và biến dạng của các công trình và nền móng công trình trong toàn bộ tuổi đời của công trình.

Các vị trí làm việc của nghề

Vị trí làm việc: Kỹ thuật viên hoặc tổ trưởng phụ trách công tác trắc địa tại phòng kỹ thuật, tổ kỹ thuật hiện trường các đơn vị xây dựng như xây dựng dân dụng (thành phố, khu công nghiệp, khu dân cư,…), các công trình giao thông (cầu, đường, đường hầm,….), các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện (đê, đập, kênh mương, hồ chứa nước,…),… hoặc tại các đội khảo sát địa hình của các công ty khảo sát thiết kế hay tại các xí nghiệp địa hình, địa chính.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Đo đạc, lập lưới khống chế cơ sở (lưới mặt bằng, lưới độ cao và lưới GPS);
  • Đo vẽ bình đồ khu vực bằng phương pháp toàn đạc;
  • Đo vẽ mặt cắt địa hình (mặt cắt dọc và mặt cắt ngang);
  • Sử dụng bản đồ địa hình;
  • Lập lưới khống chế thi công;
  • Bố trí công trình; cắm biên giải phóng mặt bằng thi công, cắm mốc lộ giới; cắm biên các công trình đào, đắp; bố trí đường cong tròn và đường cong tổng hợp;
  • Đo đạc kiểm tra, giám sát quá trình thi công công trình;
  • Đo vẽ hoàn công công trình;
  • Quan trắc độ lún công trình bằng đo cao hình học;
  • Quan trắc chuyển dịch ngang của công trình bằng phương pháp hướng chuẩn toàn phần và bằng phương pháp giao hội;
  • Quan trắc độ nghiêng của công trình cao tầng bằng máy kinh vĩ.

Điều kiện và môi trường làm việc: Người lao đông làm việc ngoài trời là chủ yếu với điều kiện là trời nắng vừa hoặc râm, không có mưa. Một số công việc có thể làm việc ban đêm. Môi trường và địa điểm làm việc liên tục thay đổi như ở đồng bằng, trung du, vùng núi, các công trường xây dựng.

Bối cảnh thực hiện công việc: Thường làm việc theo từng nhóm trực thuộc các đơn vị xây dựng; làm các công tác phục vụ cho mục đích xây dựng công trình trong quá trình khảo sát, xây dựng và cả trong giai đoạn vận hành, khai thác sử dụng công trình.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

  • Máy kinh vĩ.
  • Máy thuỷ bình kỹ thuật hoặc có độ chính xác trung bình.
  • Thước thép các loại.
  • Sào tiêu.
  • Mia thủy chuẩn các loại.
  • Máy toàn đạc điện tử.
  • Máy thu GPS.