Tọa đàm về dự thảo thông tư quy định danh mục ngành, nghề doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang sử dụng lao động chưa qua đào tạo (lao động phổ thông). Theo một thống kê của doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của doanh nghiệp tới hơn 40% so với những nguồn nhân lực khác. Điều này dẫn đến hệ quả làm cho năng suất lao động không cao, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung còn thấp, chưa nói đến những rủi ro cho người lao động như mất an toàn lao động, bị trả lương thấp, bị sa thải bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ v.v…

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định mục tiêu đến năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo của cả nước đạt khoảng 65 – 70%, trong đó có lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế mới chỉ đạt 58,6%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ đạt 23,1%, nghĩa là vẫn còn 76.9% người tham gia lực lượng lao động chưa được đào tạo.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chất lượng của nguồn nhân lực là một rào cản đối với sự phát triển của Việt Nam. Trong số 16 yếu tố được coi là vấn đề đối với kinh doanh ở Việt Nam thì có yếu tố “lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ” là yếu tố quan trọng thứ ba, sau yếu tố “thiếu sự ổn định về chính sách” và “tiếp cận với tài chính”. Theo ILO, những “khoảng trống về kỹ năng” sẽ được thu hẹp thông qua đào tạo do doanh nghiệp hay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp về trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Do đó, để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực lao động, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, từ năm 2018, Tổng cục GDNN đã tổ chức xây dựng Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo để đưa vào áp dụng thực hiện.

Để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các đối tượng chịu tác động của Thông tư, dự thảo đã được gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp lớn, đồng thời được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, với mong muốn trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp cho dự thảo Thông tư, ngày 19/8/2020, Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi tọa đàm với các doanh nghiệp để trao đổi, thảo luận về nội dung này.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bà Trần Thị Lan Anh – Giám đốc Văn phòng giới chủ của VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các doanh nghiệp cần phải sử dụng lao động qua đào tạo để nâng cao năng xuất lao động, đảm bảo an toàn, chất lượng cho sản phẩm, dịch vụ và bảo đảm an toàn cho chính bản thân người lao động, đồng thời cũng là hành động tuân thủ pháp luật.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao đổi, làm rõ thêm về những căn cứ làm cơ sở xây dựng dự thảo Danh mục và quá trình tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải ban hành danh mục ngành, nghề doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Tham gia đóng góp ý kiến, đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp nhất trí cao về sự cần thiết của việc ban hành quy định ngành, nghề doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo, tuy nhiên cũng bày tỏ sự băn khoăn về lộ trình triển khai áp dụng thực hiện để doanh nghiệp có đủ thời gian, điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho số lao động hiện có, đồng thời mong muốn cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được cấp chứng nhận đối với các trường hợp đào tạo nội bộ, đào tạo trong thời gian ngắn, đặc biệt trong các lĩnh vực nghề nghiệp như: thủy sản, da giầy, may mặc, lắp ráp linh kiện v.v…
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và cấp chứng chỉ cho người lao động đúng với nhu cầu sử dụng theo từng vị trí việc làm và đặc thù của doanh nghiệp.

Kết luận buổi tọa đàm, ông Vũ Xuân Hùng đánh giá cao các ý kiến đóng góp hết sức cởi mở và sát với thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với giáo dục nghề nghiệp, khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp để xem xét bổ sung vào dự thảo, đồng thời sẽ đề xuất lãnh đạo Tổng cục nghiêu cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi tổ chức triển khai thực hiện./.

Hà Ngọc