Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về Mô hình gắn kết doanh nghiệp Logistics với giáo dục nghề nghiệp: “Giải pháp nhân lực hậu Covid-19”

Ngày 28/7 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) tổ chức “Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về Mô hình gắn kết doanh nghiệp Logistics với giáo dục nghề nghiệp: Giải pháp nhân lực hậu Covid-19”.

Tham dự Tọa đàm có ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam; ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; bà Rebecca Bryant, đại biện Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; đại diện của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA); các thành viên Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics (LIRC) cùng các đại diện của một số bộ, ngành, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hiện có trên 3.000 doanh nghiệp Logistics hoạt động trong cả nước, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập EVTA và các hiệp định thương mại tư do, cơ hội và tiềm năng phát triển của ngành Logistics là rất lớn, cần phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ Logistics gắn kết chặt chẽ với đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, với lợi thế nằm trên trục giao thương hàng hải thuận tiện, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa vận tải đường biển quốc tế. Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên năng lực cạnh tranh của ngành Logistics vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó phải kể tới thực tế là chất lượng nguồn nhân lực của ngành. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhân lực quốc gia đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực Logistics. Các công ty dịch vụ Logistics ở Việt Nam đều đang thiếu nhân lực qua đào tạo. Hiện nay, trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mới có gần 40 trường cao đẳng và trường trung cấp đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực Logistics với quy mô đào tạo hàng năm khoảng 10.000 người. So với nhu cầu nhân lực hiện nay và trong tương lai của ngành Logistics, thì quy mô đào tạo nhân lực ngành Logistics trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu. Do vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng của ngành Logistics trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19 và Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao Chương trình Ausfourskills của Đại sứ quán Úc trong thời thông qua hoạt động của Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics đã dẫn dắt doanh nghiệp gắn kết các cơ sở đào tạo, lựa chọn những yếu tố phù hợp với bối cảnh giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam để đưa vào thí điểm trong Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề – ngành Logistics.

Ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Tọa đàm

Tham luận tại Tọa đàm, đại diện Ngân hàng thế giới, ông Shigeyuki Sakaki, chuyên ga cao cấp về vận tải cho rằng, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển dịch vụ Logistics, tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện khung pháp lý, thay đôi định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông không gian, kết nối hiệu quả các mạng lưới cửa khẩu quốc tế cũng như xây dựng các hành lang liên đô thị lớn hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ Logistics.

Ông Shigeyuki Sakaki, chuyên gia cao cấp về vận tải của Ngân hàng thế giới

Tọa đàm đã dành nhiều thời gian để trao đổi về công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Logistics, cũng như đề xuất các cách thức, các mô hình hợp tác giữa nhà nước – nhà trường và doanh nghiệp. Theo đại diện của Vụ Đào tạo chính quy, nhà nước đã rất quan tâm tới phát triển ngành Logistics thông qua một loạt các chính sách quan trọng như Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí Logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, chưa có một chính sách cụ thể nào về phát triển nhân lực lĩnh vực Logistics chuẩn bị đáp ứng với nhu cầu và những thay đổi ngày càng nhanh chóng của ngành này. Do vậy, việc đưa chính sách phát triển nhân lực trong lĩnh vực Logistics vào các đề án, dự án, chiến lược là hết sức cần thiết. Mặt khác, kỹ năng nghề của người lao động là quan trọng để cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhưng cần phải rất quan tâm tới nghiên cứu chuyển đổi những yêu cầu của ngành, nghề vào trong chương trình đào tạo, để đào tạo tiếp cận năng lực, đào tạo không xa rời thực tiễn và yêu cầu của thế giới nghề nghiệp.

Toàn cảnh Tọa đàm

Nhấn mạnh tới tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Logistics, các đại biểu cho rằng cần phải phát huy vai trò của Hiệp hội Logistics Việt Nam và Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics trong khuôn khổ Dự án; thay đổi nhận thức của các bên về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Logistics, các nhà trường cần phải năng động hơn, các doanh nghiệp cần phải hành động gắn với trách nhiệm xã hội hơn nữa.

Buổi tọa đàm đã thu nhận được nhiều ý kiến với quyết tâm cao của các bên sẽ tiếp tục thúc đẩy đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Logistics một cách hiệu quả và có chất lượng.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm khi kết thúc Tọa đàm

Thanh Bình