Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp

Ngày 15 tháng 11 năm 2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “ Thực trạng và giải pháp gắn kết với doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam chủ đề Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang từng bước thay đổi để đáp ứng nhu cầu của Doanh nghiệp (DN), mọi giải pháp cho GDNN sẽ đáp ứng cho nhu cầu của DN.

Mục tiêu chung của GDNN là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khoẻ; có trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lê Quân, để tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có sự phối hợp của DN nếu không sẽ dẫn tới lãng phí lớn và không có sác xuất thành công cao. DN sẽ xác định nhu cầu, từ đó đưa đơn đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN). Nhà trường đào tạo theo nhu cầu của DN. DN tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường. Trong quá trình tham gia, DN sẽ góp ý cho nhà trường về chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn công việc của DN.

Bà Vi Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động/ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI

GDDN có nhiều lợi thế lớn khi đào tạo đề tập trung nhiều vào cung ứng nguồn nhân lực có khả năng vận hành và làm việc ngay lập tức. Tuy nhiên, theo bà Vi Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động/ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết một số Quy định hiện hành có thể hạn chế sự tham gia của DN vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp như quy định người hướng dẫn tại doanh nghiệp phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chưa quy định chế độ rõ ràng cho người được phân công giảng dạy ở doanh nghiệp khi tiếp cận sinh viên thực tập chương trình chất lượng cao.

Bà Trần Thị Lan Anh – Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động chủ trì Hội thảo (bên phải)

Trong suốt thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Giáo dục dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã phối hợp rất tích cực trong hoạt động kết nối giữa DN và nhà trường trong lĩnh vực GDNN bằng việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác gắn kết GDNN với DN; tham gia vào quá trình tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập tổ công tác gắn kết GDNN với thị trường lao động và vệc làm bền vững. Đồng thời, VCCI cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua việc có thư gửi DN đề nghị tham gia hoạt động GDNN.

VCCI đã phối hợp với nhiều Tổ chức đại diện giới sử dụng lao động Quốc tế, trong đó có Liên đoàn các Doanh nghiệp Na- Uy (NHO) , Australia, Đức, Tây Ban Nha,..triển khai nhiều chương trình hợp tác nhằm tăng cường gắn kết DN với GDNN tại Việt Nam. DN sẽ tham gia quá trình dạy nghề, tham gia kiểm định, đánh giá chất lượng dạy nghề. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần rút ngắn thời gian đào tạo và kết hợp đào tạo nghề online, kết hợp dạy nghề giữa xưởng và trường. Với sự hợp tác chặt chẽ này, trong thời gian tới cả doanh nghiệp và nhà trường sẽ gắn kết chặt chẽ hơn. Người học nghề sẽ được đào tạo kép tại các trường và doanh nghiệp, chất lượng trường nghề sẽ được quyết định bởi đầu ra là doanh nghiệp tuyển dụng.

Bà Bùi Thị Ninh – Trưởng phòng văn phòng Giới sử dụng lao động chi nhánh VCCI Hồ Chí Minh

Bà Bùi Thị Ninh – Trưởng phòng Văn phòng Giới sử dụng lao động chi nhánh VCCI Hồ Chí Minh đưa ra tám khuyến nghị có thế nhanh chóng thực hiện và cho kết quả trong việc nâng cao chất lượng GDNN tại Việt Nam trong đó có các khuyến nghị về tăng cường hợp tác với DN trong hoạch định GDNN thông qua đối thoại công tư có cấu trúc; thành lập Hội đồng nhân lực tương lai của ASEAN do DN chủ trì, tuyên truyền phổ biến những kinh nghiệm hay về hợp tác với DN trong GDNN, khuyến nghị các chuyên gia DN trở thành giáo viên GDNN bán thời gian…

Hội thảo là cơ hội để Cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng nhau thảo luận về gắn kết GDNN với DN, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức, tạo năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu mới từ cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần đưa Việt Nam không chỉ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, xây dựng quốc gia khởi nghiệp mà còn là bàn đạp đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Theo http://beavccivietnam.com.vn/