Sửa chữa thiết bị may

Giới thiệu chung về nghề

Nghề Sửa chữa thiết bị may là nghề bảo dưỡng, hiệu chỉnh và sửa chữa các máy móc, thiết bị trong dây chuyền may, đáp ứng  các nhu cầu cho sản xuất trong ngành may.

Các vị trí làm việc của nghề

Người làm nghề Sửa chữa thiết bị may có thể trực tiếp làm việc tại các vị trí của dây chuyền may, trong các phân xưởng sản xuất may hoặc làm nhiệm vụ quản lý, tổ chức sửa chữa, triển khai và thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, hiệu chỉnh các thiết bị sử dụng trong ngành may.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Chuẩn bị tổ chức sửa chữa thiết bị may;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy may đạp chân;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy may công nghiệp 1 kim;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy may công nghiệp 2 kim;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy đính bọ điện tử;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy đính cúc;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy thùa khuy;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy vắt sổ;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy cắt vải đẩy tay;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa máy cắt vải vòng;
  • Bảo dưỡng, sửa chữa bàn là hơi;
  • Bồi dưỡng nâng cao trình độ;
  • Thực hiện an toàn và vệ sinh môi trường.

Để thực hiện được các công việc trong nghề, người hành nghề Sửa chữa thiết bị may cần hiểu được cấu tạo, nguyên lý làm việc của các cơ cấu cơ khí thường sử dụng trong các thiết bị may; hiểu được tính năng, tác dụng của các bộ phận trong các thiết bị may; sử dụng thành thạo các dụng cụ sửa chữa cơ khí cầm tay; biết chọn phương án sửa chữa và lập định mức vật tư cho công tác sửa chữa phục hồi thiết bị may; biết gia công phục hồi các chi tiết cơ khí trong các thiết bị may bằng dụng cụ cầm tay và có sự hỗ trợ của máy.

Bên cạnh đó, yếu tố sức khoẻ cũng rất quan trọng đối với người lao động để giúp họ có khả năng làm việc độc lập, theo nhóm hoặc theo dây chuyền trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

Thiết bị, dụng cụ chủ yếu của nghề: Gồm các loại clê, mỏ lết, tuốc nơ vít, đồng hồ so, dụng cụ gia công cơ khí.