Sản xuất hàng may công nghiệp

Giới thiệu chung về nghề

Nghề Sản xuất hàng may công nghiệp là nghề thực hiện tất cả các công việc để có thể tạo sản phẩm quần áo theo một dây chuyền sản xuất.

Các vị trí làm việc của nghề

Người làm nghề Sản xuất hàng may công nghiệp có thể làm việc tại các phòng kỹ thuật, các dây chuyền sản xuất của các công ty may mặc, nhà máy hoặc tại các xưởng sản xuất may công nghiệp.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Xác định mẫu sản xuất;
  • Chuẩn bị sản xuất;
  • Cắt bán thành phẩm;
  • May công đoạn;
  • Hoàn thiện sản phẩm;
  • Thực hiện các quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Các công việc cụ thể của người lao động cần thực hiện trong nghề Sản xuất hàng may công nghiệp như sau:

  • Thực hiện tìm hiểu thị hiếu, khuynh hướng trị trường trên các tạp chí mẫu mốt hoặc các phương tiện thông tin, tiến hành vẽ phác hoạ mẫu theo ý tưởng hoặc nhiệm vụ được giao trên máy tính hoặc trên giấy tại phòng mẫu của công ty.
  • Phòng kỹ thuật tiến hành vẽ thiết kế, cắt các chi tiết mẫu của sản phẩm bằng tay (Sử dụng thước, bút chì, giấy bìa, kéo…) hoặc bằng các phần mềm thiết kế chuyên ngành đã được cài đặt sẵn trên máy vi tính (nếu công ty có phần mềm) trong điều kiện phòng làm việc có điều hòa không khí.
  • Phòng may mẫu tiến hành may chế thử sản phẩm tại phòng mẫu trên máy may công nghiệp và các thiết bị chuyên dùng khác, sau đó ước tính giá thành của một sản phẩm. Thống nhất trước hội đồng, khách hàng về kiểu dáng, chất liệu của sản phẩm đã may mẫu. Sau khi thống nhất được về kiểu dáng chất liệu sản phẩm phòng kỹ thuật tiến hành gia mẫu cho các cỡ khác nhau, giác sơ đồ và lập bản tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm trên máy vi tính… bằng các trang thiết bị tại phòng may mẫu.
  • Lập kế hoạch sản xuất cho các bộ phận, tổ sản xuất trong công ty, chuẩn bị đầy đủ nguyên phụ liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tính toán bố trí sắp xếp dây chuyền sản xuất, cấp nguyên phụ liệu cho bộ phận cắt tiến hành xử lý vải. Thực hiện các công việc như: Hạch toán bàn cắt, trải vải, đánh số thứ tự, in thêu chi tiết…. tại phân xưởng cắt bằng các thiết bị như: máy cắt đẩy tay, máy cắt vòng, máy thêu, in…
  • Thực hiện gia công các sản phẩm trong dây chuyền may công nghiệp: May gia công các bộ phận cơ bản của quần áo sơ mi và áo jacket… như: May túi áo, túi quần, cổ áo, tay áo, may tra khoá, tra cạp….. theo một quy trình công nghệ gia công sản phẩm nhất định tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh tại các tổ sản xuất bằng các trang thiết bị may tại xưởng sản xuất của công ty.
  • Sau khi may hoàn chỉnh sản phẩm tại các tổ sản xuất tiến hành hoàn thiện và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
  • Kiểm tra chất lượng nguyên liệu trước khi đưa và sản xuất, kiểm tra trong quá trình sản xuất và sau khi hoàn thiện sản phẩm.
  • Sử dụng bàn là, máy là ép… để là sản phẩm, gấp, dán nhãn mác, phân cỡ, phân mầu, đóng thùng sản phẩm… sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ như: súng bắn nhãn mác, bàn gấp gói, thùng caston, túi nilon, giấy chống ẩm… ở công đoạn đóng gói, kiểm tra chất lượng sản phẩm tại xưởng sản xuất.
  • Phòng kế hoạch, lập kế hoạch tiêu thụ sản phẩm hoặc bàn giao sản phẩm cho khách hàng theo hợp đồng đã ký, tiến hành thu thập các thông tin phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm của công ty, tinh thần, thái độ phục vụ… thông qua các phương tiện thông tin, hoặc thu thập các ý kiến đóng góp của khách hàng.
  • Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp an toàn lao động cho công nhân, tổ chức thi nâng bậc, thi thợ giỏi cho công nhân theo định kỳ hàng năm chào mừng các ngày lễ, ngày thành lập công ty….

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

Máy may công nghiệp, máy cắt đẩy tay, máy cắt vòng, máy thêu, in… Bàn là, máy là ép, súng bắn nhãn mác, bàn gấp gói.