Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 220kV trở lên

Giới thiệu chung về nghề

Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 220kV trở lên là nghề mà người lao động cần phải biết vận dụng các kiến thức về kỹ thuật an toàn – vệ sinh công nghiệp, kỹ thuật lưới điện, nhà máy điện và trạm biến áp, bảo vệ rơ le, vận dụng các kiến thức về cấu tạo, công dụng, nguyên lý làm việc, các chế độ làm việc, thông số và tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị điện để quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp. Vận dụng kiến thức về tổ chức sản xuất, kỹ thuật lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện, phương pháp sử dụng các phương tiện, dụng cụ đồ nghề và vật tư kỹ thuật để xây dựng phương án và tổ chức sửa chữa các công trình thuộc lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở lên. Đồng thời phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp để xử lý các trạng thái làm việc không bình thường và sự cố các thiết bị điện trong trạm biến áp và đường dây có cấp điện áp từ 220 kV trở lên hay vận dụng kiến thức tin học và ngoại ngữ để quản lý vận hành hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống biên bản thí nghiệm, hồ sơ thiết bị.

Các vị trí làm việc của nghề

Những người làm việc trong nghề Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 220 kV trở lên có thể làm tại các trạm biến áp, tập đoàn điện lực… Các vị trí làm việc trong nghề Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây có điện áp từ 220kV trở lên: Đội trưởng, đội phó, kỹ thuật viên, công nhân quản lý vận hành và sửa chữa đường dây. Quản lý vận hành, sửa chữa trạm biến áp có điện áp từ 220kV trở lên gồm các vị trí: Trạm trưởng, trạm phó, kỹ thuật viên, công nhân quản lý vận hành và sửa chữa trạm biến áp.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Kiểm tra, phát hiện tồn tại, khiếm khuyết và sửa chữa, xử lý các phần tử hư hỏng trên đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 220kV trở lên, bảo đảm lưới truyền tải điện vận hành an toàn, liên tục, đúng quy trình, quy phạm, kinh tế và bảo đảm chất lượng điện năng;
  • Nghiệm thu các công trình lưới điện xây dựng mới và sau trung, đại tu theo quy định hiện hành của Nhà nước;
  • Thực hiện các biện pháp an toàn lao động, an toàn điện, an toàn vệ sinh công nghiệp, bảo vệ ô nhiễm môi trường và phòng cháy chữa cháy;
  • Vận hành, sửa chữa thiết bị phòng cháy chữa cháy; thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ tài sản quốc gia;
  • Quản lý vật tư, trang bị dụng cụ thi công, trang bị an toàn, trang bị phương tiện phục vụ sản xuất…;
  • Sử dụng các máy móc, trang thiết bị dụng cụ để: kiểm tra, đo đạc, phân tích; sửa chữa, thay thế các phần tử hỏng;
  • Quản lý hệ thống hồ sơ, sổ sách, tài liệu kỹ thuật… phục vụ công tác quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp.

Nghề Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp 220 từ kV trở lên làm việc trong điều kiện thiết bị mang điện cao áp, điện từ trường cao và các điều kiện địa hình đa dạng: đồng bằng; trung du, rừng thưa; núi cao, rừng rậm, đầm lầy; trèo cao… Cần phải bảo đảm an toàn và kỹ thuật, tuân thủ nghiêm chỉnh những nội quy và quy định nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

  • Trang thiết bị xây lắp đường dây: tời, máy hãm dây, tó, palăng, tipho, các dụng cụ dựng cột, các dụng cụ căng dây, máy trắc địa, xe cẩu, dụng cụ đào móng, máy hàn hơi; máy ép thủy lực, xe điện…
  • Dụng cụ cầm tay nghề điện, cơ khí: clê lực, mỏ lết, kìm cách điện, cuốc, xẻng…
  • Dụng cụ đo: mêgôm mét, ampe mét, vôn mét, ampe kìm, cầu đo điện trở một chiều, terô mét, máy đo điện trở tiếp địa, máy đo độ cao dây dẫn, máy đo cường độ điện trường, ống nhòm hồng ngoại, máy đo tốc độ gió…
  • Trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ an toàn điện: găng tay cách điện, ủng cách điện, sào cách điện, dây tiếp địa, quần áo bảo hộ, mũ bảo hộ, áo chống từ trường, thuyền cao su, thảm cao su cách điện, dây da an toàn, thiết bị chữa cháy…
  • Thiết bị thí nghiệm, kiểm tra: máy thí nghiệm điện áp tăng cao, máy thử lõi cáp, máy kiểm tra xác định hư hỏng đường cáp ngầm, máy đo điện trở tiếp xúc, máy soi phát nhiệt, nhiệt ngẫu, máy phân tích dầu…
  • Các thiết bị khác: máy tính, bút, sổ ghi chép, máy chiếu đa năng, máy vi tính…