Nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ

Giới thiệu chung về nghề

Nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ là một bộ phận của nền sản xuất nông nghiệp nước ta. Nghề này sản xuất ra các loại  sản phẩm thuỷ sản có chất lượng cao phục vụ cho đời sống của nhân dân và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu, góp phần cải tạo môi trường sinh thái.

Các vị trí làm việc của nghề

Nghề Nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ có phạm vi hoạt động rộng ở các vùng cửa sông, ven biển, các trạm, trang trại và doanh nghiệp. Người làm nghề Nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ có thể tham gia vào vị trí sau:

  • Kỹ thuật viên sản xuất giống thuỷ sản nước mặn, lợ.
  • Kỹ thuật viên nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ.
  • Nhân viên bảo quản sản phẩm thuỷ sản sau thu hoạch.
  • Kỹ thuật viên phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Xác định thủy sinh vật;
  • Xác định một số chỉ tiêu sinh học ở cá;
  • Khảo sát, thiết kế công trình nuôi thuỷ sản;
  • Chuẩn bị công trình nuôi thủy sản;
  • Sản xuất và sử dụng thức ăn trong nuôi thủy sản;
  • Quản lý chất lượng nước trong nuôi thủy sản;
  • Phòng và trị bệnh động vật thủy sản;
  • Thực hiện an toàn lao động trong nuôi trồng thủy sản;
  • Sản xuất giống cá biển;
  • Sản xuất giống tôm sú;
  • Sản xuất giống tôm he chân trắng;
  • Sản xuất giống cua biển;
  • Sản xuất giống động vật thân mềm;
  • Nuôi cá lồng bè trên biển;
  • Nuôi cá trong ao nước lợ, mặn;
  • Nuôi tôm sú thương phẩm;
  • Nuôi tôm he chân trắng thương phẩm;
  • Nuôi cua thương phẩm;
  • Nuôi hàu Thái Bình Dương;
  • Nuôi tu hài;
  • Nuôi ngao nghêu;
  • Nuôi trai ngọc biển;
  • Vận chuyển động vật thuỷ sản.

Điều kiện làm việc của nghề: Người hành nghề Nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ phải có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; có đạo đức, yêu nghề và lương tâm nghề nghiệp; có ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp, nghiêm túc, trung thực; có đủ sức khỏe, biết bơi lội để hành nghề; được trang bị an toàn lao động.

Môi trường làm việc của nghề: Nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ thực hiện ở các vùng ven biển, trên biển; ở các trạm, trang trại và doanh nghiệp sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản nước mặn, lợ kinh tế; môi trường làm việc chịu sự tác động lớn của thiên nhiên như: mưa, bão, lũ nên hoạt động nghề chịu rủi ro cao.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

  • Giống thuỷ sản bảo đảm chất lượng.
  • Trại thực nghiệm nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ.
  • Phòng thực hành: thuỷ sinh, vi sinh, ngư loại, công nghệ sinh học, phân tích môi trường, chẩn đoán và phòng trị bệnh thuỷ sản.
  • Tài liệu giáo dục chính trị, pháp luật, an ninh quốc phòng… chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, pháp luật bảo vệ thủy sản…
  • Dụng cụ, vật tư, phương tiện vận chuyển, thiết bị thông tin phục vụ sản xuất.
  • Kho tàng, thiết bị bảo quản sản phẩm thuỷ sản…