Mộc dân dụng

Giới thiệu chung về nghề

Mộc dân dụng là một nghề chuyên gia công các loại cửa, khuôn cửa cho các công trình xây dựng từ nguyên liệu gỗ tự nhiên bằng các dụng cụ thủ công và các thiết bị chuyên dùng.

Các vị trí làm việc của nghề

Phạm vi làm việc: Nghề Mộc dân dụng được làm trong các doanh nghiệp chế biến gỗ, trên các công trình xây dựng ở trong và ngoài nước và ở các trường nghề trong lĩnh vực chế biến gỗ.

Vị trí làm việc: Nghề Mộc dân dụng có thể tham gia một số vị trí sau:

  • Trực tiếp sản xuất tại các phân xưởng mộc ở các cơ sở sản xuất chế biến gỗ.
  • Kỹ thuật viên, giáo viên nghề Mộc.
  • Tổ trưởng tổ sản xuất, trưởng ca sản xuất.
  • Chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ mộc.
  • Đảm nhận một phần công việc cho những công trình xây dựng.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Vẽ mẫu;
  • Chuẩn bị nguyên vật liệu;
  • Pha phôi;
  • Gia công mặt phẳng;
  • Gia công mộng và lỗ mộng;
  • Gia công mặt cong;
  • Ghép ván;
  • Tiện gỗ;
  • Lắp ráp sản phẩm;
  • Gia công khuôn cửa;
  • Gia công cửa Panô huỳnh gỗ;
  • Gia công cửa Panô kính;
  • Gia công cửa chớp gỗ;
  • Lắp cánh cửa vào khuôn cửa;
  • Trang trí bề mặt sản phẩm.

Điều kiện và môi trường làm việc: Người làm nghề mộc làm việc trong môi trường có nhiều bụi và tiếng ồn lớn, độc hại, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn lao động và dễ phát sinh bệnh nghề nghiệp.

Bối cảnh làm việc: Nghề mộc chủ yếu làm việc trong không gian nhà xưởng tiếp xúc với nhiều bụi, tiếng ồn lớn, lao động bằng tay có tư duy kết hợp với các công cụ máy, thiết bị cơ giới hoá, tự động hoá.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

  • Nhà xưởng, bãi tập kết nguyên vật liệu, kho chứa đựng và bảo quản sản phẩm, hầm phun sơn, lò sấy.
  • Máy cưa, máy bào, máy đục, máy khoan, máy đánh nhẵn, máy phay, máy phun sơn.

Cưa, bào, đục, khoan, vam, thước vuông, thước mét, cữ vạch.