Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 110kV trở xuống

Giới thiệu chung về nghề

Nghề Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 110kV trở xuống là nghề làm việc tại các công trường thi công tuyến đường dây tải điện và tại các trạm biến áp có điện áp từ 110kV trở xuống trên phạm vi toàn quốc.

 Các vị trí làm việc của nghề

Những người hành nghề trong nghề Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 110kV trở xuống có thể làm việc tại một số vị trí sau:

– Trực tiếp thi công hệ thống tuyến đường dây tải điện trên không, đường dây cáp ngầm; thi công lắp đặt các loại trạm phân phối, trạm trung gian trực thuộc các tổ sản xuất, các đội công trình được thành lập đảm nhận công tác xây lắp từ khi bắt đầu khởi công đến khi kết thúc đóng điện và bàn giao công trình.

– Công nhân kỹ thuật nghề xây lắp công trình đảm nhận một phần công việc cho những công trình xây dựng đường dây và trạm biến áp; tổ trưởng thi công đường dây và trạm biến áp; nhóm trưởng thi công đường dây và trạm biến áp; tổ chức thi công đường dây và trạm biến áp trong phạm vi tổ sản xuất, đội sản xuất theo phương án tổ chức xây dựng của đơn vị thiết kế và đơn vị thi công lập.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Thi công lắp đặt đường dây tải điện trên không có điện áp từ 110kV trở xuống;
  • Thi công lắp đặt đường dây cáp ngầm trung áp có điện áp đến 35kV;
  • Thi công lắp đặt đường dây cáp vặn xoắn hạ áp 0,4kV;
  • Thi công xây lắp trạm biến áp trung gian, trạm biến áp phân phối có điện áp đến 35kV;
  • Thi công lắp đặt trạm biến áp có điện áp từ 110kV trở xuống.

Người hành nghề Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 110kV trở xuống làm việc trong điều kiện ngoài trời trong điều kiện môi trường nóng, bụi và nguy hiểm… công việc mang tính tập thể. Vì vậy, người hành nghề phải có đủ sức khỏe, có đủ năng lực kỹ thuật, có tay nghề chuyên môn vững và khả năng tổ chức sản xuất.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

– Cơ sở gồm: Nhà ở cho tổ đội sản xuất, nhà xưởng, bãi tập kết nguyên vật liệu, kho kín, kho hở để chứa đựng và bảo quản vật tư, thiết bị thi công công trình.

– Các loại máy móc: Máy kéo, máy tời, máy ngắm (đo độ võng), máy ngắm khảo sát tuyến…

– Các loại dụng cụ thủ công: Kìm, mỏ lết, palăng xích lắc tay, túi dụng cụ, pu ly, tiếp địa di động…

– Vật tư: Cột điện, xà, sứ, dây dẫn, cáp ngầm, sứ các loại theo cấp điện áp, khóa dây, ghíp… và các vật liệu liên quan khác…

– Các loại nguyên liệu phụ như: Đá, xi măng; sắt, thép, đinh…