Kiểm soát không lưu

Giới thiệu chung về nghề

Kiểm soát không lưu là một nghề được thực hiện bởi các kiểm soát viên không lưu làm việc ở mặt đất. Kiểm soát viên không lưu thực hiện kiểm soát hoạt động bay đối với tàu bay trên các đường hàng không, tại khu vực các sân bay và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; trợ giúp tổ lái trong tình huống khẩn nguy; cung cấp cho tổ lái các tin tức cần thiết để bảo đảm an toàn, hiệu quả chuyến bay; thông báo các tin tức nhận được từ tổ lái cho các cơ sở cung cấp dịch vụ quản lý bay khác có liên quan.

Các vị trí làm việc của nghề

Kiểm soát viên không lưu làm tại:

  • Đài kiểm soát tại sân bay: Ở vị trí này kiểm soát viên cung cấp chỉ thị và các thông tin cần thiết cho tàu bay đi cất cánh đúng theo kế hoạch bay dự kiến với sự chậm trễ trung bình ít nhất; hướng dẫn các tàu bay đến vào hạ cánh và lăn vào sân đỗ tại cảng hàng không. Tại các cảng hàng không lớn có nhiều tàu bay hoạt động đài kiểm soát không lưu có thể được phân chia ra thành vị trí kiểm soát tàu bay cất hạ cánh và bộ phận kiểm soát mặt đất, bao gồm việc kiểm soát sự di chuyển của tàu bay và các phương tiện xe cộ trên các đường lăn, sân đỗ trên sân bay.
  • Cơ sở kiểm soát tiếp cận: Ở vị trí này kiểm soát viên dẫn dắt và sắp xếp thứ tự các tàu bay đến theo một thứ tự hiệu quả nhất để tàu bay vào làm tiếp cận và hạ cánh; dẫn dắt các tàu bay đi ra nhanh chóng lấy được độ cao bay và đường bay mong muốn trước khi chuyển tiếp vào giai đoạn bay đường dài.
  • Trung tâm kiểm soát đường dàiỞ vị trí này kiểm soát viên điều hành hoạt động bay của tàu bay trên các đường hàng không, chỉ thị cho tàu bay lấy độ cao hoặc giảm độ cao và chỉ định các mực bay bằng đường dài.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Cung cấp dịch vụ Kiểm soát tại sân;
  • Cung cấp dịch vụ Kiểm soát tiếp cận;
  • Cung cấp dịch vụ Kiểm soát đường dài;
  • Cung cấp dịch vụ Thông báo bay;
  • Cung cấp dịch vụ Báo động;
  • Hiệp đồng với các cơ quan liên quan;
  • Kiểm soát những trường hợp bất thường;
  • Trao đổi điện văn dịch vụ không lưu;
  • Phát hiện và giải quyết các tình huống có tiềm ẩn xung đột hoặc xung đột thực sự;
  • Viết báo cáo;
  • Nâng cao nghiệp vụ.

Để bảo đảm nền không lưu an toàn, điều hòa và hiệu quả, kiểm soát viên không lưu phải thường xuyên cung cấp cho tổ lái các huấn lệnh, tin tức cần thiết và khuyến cáo về độ cao bay, tốc độ bay, đường bay, các thông tin về thời tiết và các thông tin hoạt động bay liên quan khác nhằm ngăn ngừa va chạm giữa các tàu bay đang bay, giữa các tàu bay với các tàu bay hoạt động trên sân bay và giữa các tàu bay với các chướng ngại vật trên khu vực sân bay.

Kiểm soát không lưu là một nghề mang tính quốc tế nên kiểm soát viên không lưu không những phải tuân thủ mọi yêu cầu và quy định của Cục Hàng không Việt Nam mà còn phải tuân theo những khuyến cáo và thực hành của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

  • Tai nghe, ống nói, loa, máy ghi âm.
  • Máy thu phát sóng vô tuyến VHF/UHF, mạch trực thoại.
  • Đồng hồ chỉ giờ quốc tế, hệ thống liên lạc (intercom), bộ đàm, ống nhòm.
  • Màn hiển thị tốc độ gió và hướng; máy đo khí áp, màn hiển thị khí áp; màn hiển thị khí tượng bao gồm cả đặt khí áp.
  • Màn hiển thị ra đa, các bộ phận điều khiển và console.
  • Hồ sơ, hiển thị NOTAMS.
  • Bảng điều khiển hệ thống đèn tại sân bay; bảng theo dõi tín hiệu thiết bị dẫn đường; bảng dữ liệu bay, hành trình bay.
  • Thiết bị đầu cuối mạng viễn thông cố định hàng không (AFTN).
  • Tập AIP Việt Nam, bản đồ/sơ đồ bay, tài liệu nghiệp vụ không lưu và các tài liệu khác.
  • Tài liệu hướng dẫn khai thác của cơ sở điều hành bay (ATC Operation Manual).
  • Tài liệu về thiết bị dẫn đường; Tài liệu về tính năng tàu bay.
  • Các bản đồ/sơ đồ bay, tài liệu nghiệp vụ không lưu, các văn bản hiệp đồng liên quan.
  • Băng phi diễn, bút bi đỏ và xanh.
  • Sổ nhật ký không lưu (ATS Log).