Kết nối nhà trường và doanh nghiệp Nhật Bản trong đào tạo nguồn nhân lực theo mô hình KOSEN

Xác định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, ngày 24/9/2020, tại Hà Nội các bên gồm: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương và Tổ chức KOSEN Nhật Bản đã phối hợp tổ chức hội thảo “Kết nối nhà trường và doanh nghiệp Nhật Bản trong đào tạo nguồn nhân lực theo mô hình KOSEN”.

Tới dự cuộc họp, về phía Việt Nam, có Ông Nguyễn Thế Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Công thương; Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Ông Haydashida Eiji, Giám đốc Văn phòng đại diện KOSEN tại Việt Nam; Hiệu trưởng các trường đang thực hiện thí điểm mô hình đào tạo KOSSEN gồm: Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Về phía Nhật Bản, có đại diện một số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam như Canon, Việt Hoa Electronics; Khu Công nghiệp Thăng Long; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI); Tổ chức dịch vụ sinh viên Nhật Bản (JASSO); Tổ chức ngoại thương Nhật Bản (JETRO). Ngoài ra, còn có đại diện của 12 trường phía Việt Nam; đại diện trụ sở KOSEN và các trường KOSEN dự họp trực tuyến.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã nêu lên một số yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực và khó khăn trong tuyển dụng lao động được phản ánh tới Hội. Theo các ý kiến nêu tại hội thảo, nguồn nhân lực mà phía các doanh nghiệp Nhật Bản cần phải đáp ứng các yêu cầu như có kiến thức, kỹ năng về nghề; sử dụng thành thạo máy tính, các trang thiết bị liên quan tới ngành, nghề; kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật; kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề; kỹ năng dự báo; kỹ năng quản lý; tư duy lô-gic; biết ứng phó uyển chuyển với thay đổi của tình hình công việc; tính kỷ luật, trung thực… Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cơ bản đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự mới, giữ chân lao động do tình trạng “nhảy việc” đang diễn ra phổ biến bởi cạnh tranh với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan… tại thị trường Việt Nam. Một số ý kiến chỉ ra rằng, để hạn chế những khó khăn trong tuyển dụng lao động mới, các doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ với các nhà trường; tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên tới thực hành, thực tập tại doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Mặt khác, để giảm thiểu tình trạng “nhảy việc”, sau tuyển dụng, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, tác phong công nghiệp cho người lao động để người lao động yêu nghề và gắn bó với nghề sau khi được tuyển dụng. Các doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện mong muốn sẵn sàng hợp tác với các trường của Việt Nam trong việc đón tiếp học sinh, sinh viên thực tập; tổ chức các buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên về nghề nghiệp, tuyển dụng.

Đại diện lãnh đạo các trường tham dự Hội thảo mong muốn được hợp tác chặt chẽ, toàn diện với các doanh nghiệp Nhật Bản, không chỉ ở những ngành nghề thí điểm đào tạo theo mô hình KOSEN mà còn mở rộng ra nhiều ngành, nghề khác và trường khác.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, buổi hội thảo ngày hôm nay tuy diễn ra ở phạm vi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn thể hiện sự quan tâm xác đáng của các doanh nghiệp Nhật Bản tới nguồn nhân lực ở Việt Nam. Ông Hùng mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với các trường của Việt Nam để cùng đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng nghề, không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam mà cả Nhật Bản.

Kết thúc hội thảo, các bên khẳng định, trong tương lai sẽ có nhiều hoạt động gắn kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp Nhật Bản hơn nữa vì lợi ích của các bên và vì mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo

Thanh Bình