Hướng dẫn tổ chức đào tạo trực tuyến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp

Khẩn trương xây dựng, tổ chức đào tạo trực tuyến với những nội dung, môn học chung; nội dung, môn học, học phần lý thuyết bằng việc khai thác, ứng dụng triệt để các chương trình, ứng dụng hiện có trên Internet như Zoom Cloud Meeting, Hangouts Meet, Microsoft Teams, Google Classroom .v.v…

Ảnh minh họa

Đây là một trong những nội dung vừa được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các trường trung cấp, cao đẳng trong tổ chức đào tạo trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp theo Công văn số 587/TCGDNN-ĐTCQ ngày 17/3/2020.

Hướng dẫn này đã chỉ rõ đặc điểm, ưu điểm của một số chương trình, ứng dụng hiện có trên Internet như Chương trình Zoom Cloud Meeting của Zoom Video Communications; Hangouts Meet của Google; Microsoft Teams trong Chương trình Office 365 của Microsoft; Google Classroom là một dịch vụ web miễn phí của Google.v.v… đồng thời hướng dẫn các trường trung cấp, cao đẳng cách thức áp dụng các chương trình này vào tổ chức đào tạo trực tuyến của trường.

Theo đó, để áp dụng thành công các chương trình nêu trên các trường cần:

– Thành lập nhóm triển khai đào tạo trực tuyến với thành phần chính là cơ quan đào tạo và bộ phận công nghệ thông tin của trường;

– Xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo trực tuyến trong đó xác định rõ các nội dung cần phải thực hiện như: Xác định các nội dung, môn học lý thuyết để có thể tổ chức đào tạo trực tuyến (các môn học chung, các nội dung, hoặc môn học/học phần lý thuyết cơ sở, lý thuyết chuyên môn…); Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết; lập thời khóa biểu cho việc giảng dạy trực tuyến; Phân công giáo viên phụ trách/giảng dạy để chuẩn bị nội dung bài giảng; các điều kiện lớp học, kết nối với HSSV.

– Tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng cho giáo viên và HSSV; tập huấn sử dụng chương trình, ứng dụng và cách thức thực hiện đào tạo trực tuyến cho giáo viên;

– Hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị (phòng học trực tuyến, máy tính có trang bị camera, microphone; máy chụp ảnh, quay phim,….) cho các khoa chuyên môn và giáo viên giảng dạy trực tiếp (nếu có);

– Xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến, quy định rõ quyền và trách nhiệm của giáo viên, HSSV trong đào tạo trực tuyến để bảo đảm tiến độ, chất lượng đào tạo theo yêu cầu;

Thời gian giảng dạy trực tuyến bao gồm: Thời gian giảng dạy trực tiếp (có thể thực hiện trên Zoom Cloud Meeting hoặc Hangouts Meet) và thời gian giảng dạy gián tiếp bằng việc trao đổi, giải đáp thắc mắc và giao bài tập cho HSSV (có thể thực hiện trên Microsoft Teams hoặc trên Google Classroom) và được tính khối lượng giảng dạy như lớp học truyền thống.
Một ngày học trực tuyến không nên quá 5 giờ (45 phút/giờ), trong đó mỗi giờ học có tối thiểu từ 20 – 30 phút giảng dạy trực tuyến trực tiếp (trên Zoom Cloud Meeting hoặc Hangouts Meet), thời gian còn lại để trao đổi, giải đáp thắc mắc, giao bài tập cho HSSV (trên Microsoft Teams hoặc trên Google Classroom) và nghỉ giải lao.

Thời gian học tập và các hoạt động trong một ngày học trực tuyến có thể thực hiện linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của từng trường do hiệu trưởng quyết định. Trường hợp việc truy cập internet của HSSV không ổn định thì không thực hiện giảng dạy trực tuyến trực tiếp (trên Zoom Cloud Meeting hoặc Hangouts Meet). Giáo viên thực hiện giảng dạy trực tuyến gián tiếp bằng việc tải dữ liệu bài giảng (video, tài liệu giảng dạy, học tập, tham khảo.v.v..) lên các lớp học trực tuyến (Microsoft Teams hoặc trên Google Classroom) và giao nhiệm vụ cho HSSV thực hiện.

Theo hướng dẫn, việc tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HSSV được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn và Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô – đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp;

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề nghị các trường:

– Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến trong trường để kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm, cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến;

– Báo cáo việc tổ chức đào tạo trực tuyến tại trường về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (qua Vụ Đào tạo chính quy) đối với trường cao đẳng và về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương đối với trường trung cấp để theo dõi, quản lý, sau khi đã tổ chức đào tạo trực tuyến;

– Tiếp tục duy trì, kết hợp giữa đào tạo trực tuyến với đào tạo truyền thống khi HSSV đi học trở lại; xây dựng, phát triển hệ LMS chuyên nghiệp của trường kết hợp với các chương trình, ứng dụng đã triển khai.

(Xem chi tiết văn bản hướng dẫn tại đây)/.

Trịnh Vũ Anh Xuân