Hợp tác với Aus4skills Pha I giai đoạn 2016-2020 và đề xuất hoạt động hợp tác Pha II

Trong khuôn khổ hợp tác với chính phủ Úc, phía Úc triển khai chương trình hỗ trợ Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững của Việt Nam (hay còn gọi Chương trình Aus4Skills). Chương trình này do chính phủ Úc tài trợ, thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc. Chương trình Aus4Skills bao gồm 5 hợp phần: (1) Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (2) Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học miền núi phía bắc (3) Thúc đẩy vai trò phụ nữ trong lãnh đạo (4) Hỗ trợ Kế hoạch Đầu tư viện trợ của Ô-xtrây-lia (5) Hỗ trợ các mối quan tâm rộng hơn của Ô-xtrây-lia, trong đó Hợp phần thứ nhất “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” liên quan trực tiếp tới giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu “Hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”.

Năm 2020 là năm kết thúc Chương trình hợp tác ở pha I. Ngày 15/10/2020 tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện các bên gồm Bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Bà Bà Bridget Collier, Tham tán ĐSQ Úc tại Hà Nội; Ông Michael Sadlon, Giám đốc Chương trình Aus4Skills cùng đại diện các Vụ chức năng và các phòng ban của Đại sứ quán Úc họp tổng kết một số hoạt động của Pha I và dự kiến các hoạt động hợp tác của Pha II.

Các hoạt động của Pha I chủ yếu liên quan tới đào tạo nhân lực ngành Logistics tại Việt Nam bao gồm:

– Thành lập và thí điểm cơ chế phối hợp doanh nghiệp và phát triển kỹ năng nghề dựa trên mô hình Ủy ban tham vấn doanh nghiệp vận tải và Logistics Australia.

– Chọn và xây dựng thí điểm gói đào tạo cho tối đa 04 bộ tiêu chuẩn nghề cho ngành Logistics.

– Nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng huấn luyện dựa trên năng lực thực hiện và kiến thức ngành Logistics cho các đối tác đào tạo nghề được lựa chọn. Nâng cao năng lực lãnh đạo nữ.

– Tăng cường mối liên kết hữu ích với Australia bằng cách hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với các tổ chức đào tạo chính quy của Australia và mạng lưới đào tạo ngành logistics.

– Hỗ trợ nhân rộng cơ chế phối hợp doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp sang các ngành khác ngoài logistics.

Các hoạt động hợp tác được thực hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm học bổng của chính phủ Úc, tham quan, hội thảo được triển khai cả ở Úc và Việt Nam.

Những kết quả đã đạt được của Pha I

– Đã bổ sung các ngành nghề đào tạo mới liên quan tới Logistics vào Thông tư số 06/2019/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

– Đã hình thành Ban tư vấn đào tạo ngành logistic (LIRC) đã giúp các đơn vị cơ quan liên quan trong ngành logistic cùng hợp tác làm việc với nhau để xác định rõ các nhu cầu kỹ năng của ngành trong khi xây dựng Tiêu chuẩn nghề  (mô tả tiêu chuẩn về vị trí chức danh) và Tiêu chuẩn kỹ năng nghề (các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc) nhằm đảm bảo sự đồng nhất và tính tin cậy của ngành.

– Đã phối hợp xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành nghề Logistics.  Hiện đang xây dựng chuẩn đầu ra ngành Logistics và ngành Xếp dỡ cơ giới tổng hợp, có mời chuyên gia Aus4Skills hỗ trợ.

– Thúc đẩy cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp thông qua các hoạt động hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp trong việc đào tạo các ngành, nghề về Logistics.

Tính đến tháng 10 năm 2020, đã có 140 người tham gia chính (58% là nữ giới) trong 5 Khóa học thuộc Học bổng Chính phủ Australia Ngắn hạn, 714 người tham chính và người tham gia thêm (55% nữ giới) trong 17 các hoạt động đào tạo/hội thảo khác của Aus4Skills.

110 cựu sinh của các khóa đào tạo nghề đã cung cấp 357 ví dụ điển hình về những đóng góp cho sự phát triển và 98 ví dụ về việc xây dựng/duy trì mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam.

Có 10 cơ sở giáo dục dạy nghề ở Việt Nam bao gồm:

– 04 trường công lập trực thuộc tp HCM là Trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Trường Trung cấp Kinh tế Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại thành phố Hồ Chí Minh

– 01 trường trực thuộc Bộ LĐTBXH tại tp Hồ Chí Minh: Cao đẳng Kỹ nghệ II.

– 01 trường tư thục tại tp HCM: Cao đẳng Viễn Đông

– 01 trường trực thuộc Bộ NNPTNN tại Đồng Nai: Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi

– 01 trường thuộc Bộ GTVT tại Hải Phòng: Cao đẳng Hàng Hải 1

– 01 trường thuộc Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc: Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1

– 01 trường thuộc Bộ Công thương tại Hà Nội: Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội

– Góp phần nâng cao năng lực  đào tạo của các trường và các đối tác tham gia chương trình Aus4Skills: Năng lực người tham gia về quản lý, phát triển và thực hiện chương trình đào tạo về logistics được nâng cao thông qua các hoạt động triển khai thí điểm đào tạo; các khóa đào tạo nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý tại Việt Nam và Úc; các hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực trạng liên quan đến đào tạo nhân lực Logistics, các hoạt động của Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics, mô hình Hội đồng ngành của Úc.

Một số hoạt động hợp tác dự kiến trong Pha II

 – Đẩy mạnh hoạt động gắn kết với các doanh nghiệp thông qua thành lập các Tổ công tác gắn kết doanh nghiệp tại địa phương.

– Tiếp tục phát triển các hoạt động ở Pha I trong lĩnh vực Logistics (Đây là thế mạnh của Úc và hiện nay Úc có rất nhiều doanh nghiệp Logistics đang hoạt động tại Việt Nam): Mở rộng thành lập Ban tư vấn ngành Logistics tại các địa phương khác như Hải Phòng, Vũng Tàu; tiến tới thành lập Ban tư vấn ngành cấp Trung ương về ngành Logistics; Tập trung vào xây dựng chuẩn đầu ra, đổi mới và phát triển các chương trình đào tạo, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trong lĩnh vực Logistics.

– Tiếp tục triển khai thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành du lịch – khách sạn.

– Đẩy mạnh truyền thông về các kết quả và hoạt động của dự án; phát triển một  page riêng về các hoạt động của Dự án trên website của Tổng cục/Vụ Đào tạo chính quy./.

Thanh Bình