Hàn

Giới thiệu chung về nghề

Nghề Hàn là nghề thực hiện các công việc nối hai đầu của một hay nhiều chi tiết kim loại thành một liên kết liền khối, không thể tháo rời, bằng cách sử dụng nguồn nhiệt, áp lực hoặc cả nguồn nhiệt và áp lực, có sử dụng hoặc không sử dụng kim loại phụ.

Trong trường hợp tạo ra liên kết liền khối chỉ sử dụng nguồn nhiệt, kim loại tại chỗ hàn cần được nung tới trạng thái chảy để tạo ra bể hàn, bể hàn sau khi kết tinh sẽ tạo nên mối hàn.

Trường hợp tạo ra liên kết liền khối chỉ sử dụng áp lực, kim loại tại chỗ hàn cần được tác động một lực ép đủ lớn để các nguyên tử kim loại tại bề mặt tiếp xúc tiến sát lại gần nhau tạo nên liên kết phân tử.

Trường hợp sử dụng cả nguồn nhiệt và lực ép, kim loại chỗ hàn cần được nung tới trạng thái dẻo, sau đó nhờ lực ép mà mối hàn được hình thành.

Quá trình hàn thường sử dụng sự nung nóng cục bộ nên xuất hiện ứng suất và biến dạng.

Các vị trí làm việc của nghề

Người hành nghề Hàn làm việc trong các lĩnh vực như: cơ khí, xây dựng, giao thông, đóng tàu, dầu khí… Mối hàn được thực hiện ở tất cả các tư thế trong không gian, công việc hàn có thể thực hiện tại xưởng tập trung, tại hiện trường hoặc trực tiếp trên kết cấu đang lắp ghép. Giá thành chế tạo của liên kết hàn thấp hơn một số phương pháp khác vì vậy đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện hàn;
  • Hàn kim loại bằng hồ quang;
  • Hàn kim loại bằng khí cháy;
  • Hàn kim loại bằng các phương pháp khác;
  • Kiểm tra các quá trình và sản phẩm hàn;
  • Giám sát hoạt động hàn;
  • Bảo đảm chất lượng;
  • Quản lý;
  • Bảo đảm an toàn;
  • Phát triển công nghệ mới.

Để hoạt động trong nghề Hàn người lao động cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để thực hiện được các công việc của nghề: sử dụng thành thạo các trang thiết bị của nghề; tính toán, thiết kế được kết cấu hàn; chọn được vật liệu phù hợp với điều kiện làm việc của kết cấu; phân tích, đánh giá, phán đoán được sự biến dạng của kết cấu và sự thay đổi về tổ chức kim loại tại khu vực chịu ảnh hưởng của nhiệt do hàn; lập được quy trình hàn cho các kết cấu khác nhau; có kỹ năng, kỹ xảo để thực hiện mối hàn ở tất cả các tư thế; kiểm tra, đánh giá được chất lượng của mối hàn và kết cấu hàn; lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý các công việc thuộc lĩnh vực; bồi dưỡng người có kỹ năng nghề bậc thấp hơn…

Điều kiện và môi trường làm việc của nghề Hàn khắc nghiệt, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn và bệnh nghề nghiệp như các bệnh về mắt, phổi, chấn thương, điện giật, hít phải khí độc và xảy ra cháy nổ. Vì vậy người hành nghề Hàn cần có đủ sức khỏe, phản ứng nhanh để xử lý các tình huống xảy ra.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

Thiết bị hàn là thiết bị làm biến đổi các dạng năng lượng như: điện năng, quang năng, hoá năng, nhiên liệu, cơ năng, động năng, dao động siêu âm… để sử dụng cho quá trình hàn; được thực hiện bằng tay, bán tự động hoặc tự động.

Thiết bị kiểm tra chất lượng mối hàn và các thiết bị phụ trợ.