Đo đạc bản đồ

Giới thiệu chung về nghề

Trắc địa – bản đồ là một lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành, thực hiện việc đo đạc, khảo sát để thu nhận thông tin về bề mặt đất, bề mặt nước, đáy nước và thể hiện các thông tin đó lên bản đồ. Nghề Đo đạc bản đồ là nghề cơ bản và chủ đạo trong lĩnh vực này.

Các vị trí làm việc của nghề

Đặc thù của nghề Đo đạc bản đồ thường làm việc theo nhóm từ ba người trở lên ở ngoài thực địa gọi là công tác ngoại nghiệp. Sau đó xử lý số liệu và thành lập bản đồ trong phòng gọi là công tác nội nghiệp.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Xây dựng lưới khống chế mặt bằng;
  • Xây dựng lưới khống chế độ cao;
  • Chôn mốc lưới khống chế mặt bằng;
  • Chôn mốc lưới khống chế độ cao;
  • Kiểm nghiệm thiết bị đo;
  • Đo lưới khống chế mặt bằng;
  • Đo lưới khống chế độ cao;
  • Bình sai lưới khống chế mặt bằng;
  • Bình sai lưới khống chế độ cao;
  • Thành lập bản đồ gốc;
  • Biên vẽ bản đồ gốc;
  • Nghiệm thu sản phẩm.

Người làm nghề Đo đạc bản đồ cần phải có tính kiên trì, tỉ mỉ, chính xác và có đủ sức khoẻ làm việc trong môi trường, địa hình khác nhau, có thể đặc thù như: đầm lầy, đồi núi hiểm trở….

Sản phẩm của nghề Đo đạc bản đồ là các tờ bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, bản đồ địa hình đáy biển và các bản đồ chuyên đề,… phục vụ cho các ngành kinh tế quốc dân như: giao thông; xây dựng; thuỷ điện; thuỷ lợi; địa chính;… đúng với các yêu cầu kỹ thuật quy định trong quy phạm.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

Nghề Đo đạc bản đồ chuyên sử dụng các thiết bị trắc địa như: Máy kinh vĩ, máy thủy bình, máy toàn đạc điện tử và nhiều thiết bị khác để đo các yếu tố cơ bản là đo góc, đo cạnh, đo độ chênh cao. Người đo ghi lại giá trị đo và những thông tin thuộc tính của điểm đo vào sổ đo. Dựa trên sổ đo, người lập bản đồ dùng ngôn ngữ bản đồ để biểu thị bề mặt đo lên giấy.