Điều khiển phương tiện thủy nội địa

Giới thiệu chung về nghề

Nghề Điều khiển phương tiện thủy nội địa là nghề trực tiếp điều khiển tàu, thuyền hoặc các cấu trúc nổi khác hoạt động trên đường thủy nội địa.

Nghề Điều khiển phương tiện thủy nội địa thuộc nhóm nghề có điều kiện lao động loại IV quy định trong “Danh mục nghề và công việc nặng nhọc nguy hiểm” ban hành kèm theo Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; là nghề thường xuyên lưu động, công việc nặng nhọc luôn luôn phải chịu sóng gió, rung động, tiếng ồn; luôn gặp khó khăn trong lúc hành nghề nhất là khi gặp sóng to, gió lớn, lũ lụt hoặc bão tố, khi làm việc trên cao hoặc dưới hầm hàng; luôn phải tiếp xúc với sơn, dầu mỡ và các chất độc hại khác.

Các vị trí làm việc của nghề

Các vị trí trên các phương tiện đường thủy nội địa như: tàu, thuyền, xà lan, ca nô…

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Chuẩn bị cho chuyến đi;
  • Làm dây;
  • Vận hành các trang thiết bị boong;
  • Giao nhận và bảo quản hàng hóa;
  • Đón trả và phục vụ hành khách;
  • Điều động tàu;
  • Trực ca;
  • Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện và các thiết bị boong;
  • Vận hành và bảo dưỡng các thiết bị hàng hải;
  • Đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường;
  • Thực hiện công tác hậu cần;
  • Thực hiện quan hệ giao dịch;
  • Hạch toán vận tải;
  • Thực hiện kế hoạch sửa chữa;
  • Lãnh đạo và quản lý;
  • Hành động trong các tình huống nguy cấp.

Nghề Điều khiển phương tiện thủy nội địa là nghề cần có tính sáng tạo, quyết đoán, xử lý nhanh nhạy kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; đồng thời cần có tính kiên trì, bền bỉ để phù hợp với những chuyến đi độc lập dài ngày. Kết quả của mỗi chuyến vận tải phụ thuộc vào sự phối hợp làm việc nhịp nhàng, nỗ lực của mỗi thuyền viên ở từng vị trí khác nhau trên phương tiện vận tải; vì vậy mọi người làm việc trên phương tiện cần phải có ý thức tập thể, tinh thần hợp tác, tác phong công nghiệp, có ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm với cộng đồng; trong đó người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa phải là người có ý thức trách nhiệm cao nhất vì kết quả làm việc của họ có ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn phương tiện, tài sản hàng hoá, sinh mạng hành khách và thuyền viên trong quá trình sử dụng khai thác phương tiện thuỷ.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

  • Phương tiện thuỷ nội địa bao gồm: Tàu thuỷ, thuyền, ca nô và các loại cấu trúc nổi khác mà trên đó người ta trang bị các trang, thiết bị an toàn theo quy định của luật giao thông đường thuỷ nội địa.
  • Trang thiết bị cứu sinh gồm: Thuyền, xuồng cứu sinh, các loại áo phao, phao áo.
  • Trang, thiết bị cứu hoả gồm: Bơm cứu hoả, thùng xô, câu liêm, thang chèo, quần áo chống cháy.
  • Trang thiết bị cưú thủng gồm: Bơm nước, thùng xô, các loại nêm gỗ bu lông sắt…
  • Và các loại bảo hộ lao động an toàn khác.