Công nghệ mạ

Giới thiệu chung về nghề

Công nghệ mạ là nghề tạo ra trên bề mặt kim loại hay phi kim loại một lớp kim loại khác, với mục đích để bảo vệ ăn mòn cho kim loại hoặc tạo ra các tính chất khác cho bề mặt vật mạ: bóng, sáng, cứng, từ tính, trang sức….

Quá trình mạ được thực hiện ở các dây chuyền công nghệ cụ thể, phù hợp với tính chất, chức năng của lớp mạ. Trong mỗi lớp mạ có sử dụng các máy, thiết bị và hoá chất riêng thích hợp cho từng loại quy trình mạ. Đặc điểm chung của các quy trình mạ kim loại là tiếp xúc với nhiều loại hoá chất, nhiệt độ cao, dòng điện lớn và dễ cháy nổ; trong môi trường phát sinh nhiều bụi kim loại, hơi hoá chất gây ô nhiễm môi trường.

Lớp mạ có thể tạo ra bằng phương pháp điện hoá hoặc hoá học trên nền kim loại hay phi kim loại; các lớp mạ thường gặp: kẽm, thiếc, đồng, niken, crôm, vàng, hợp kim (Cu – Zn, Cu – Sn)…; mỗi lớp có tính chất và phạm vi ứng dụng riêng.

Các vị trí làm việc của nghề

Làm việc trong các dây chuyền mạ, các xưởng gia công, sửa chữa cơ khí của các công ty, doanh nghiệp có liên quan đến công nghệ mạ.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Mạ kẽm hoá học;
  • Mạ thiếc điện hoá;
  • Mạ đồng điện hoá;
  • Mạ niken điện hoá.

Mỗi nhiệm vụ đều cần thực hiện các công việc:

1. Gia công cơ học bề mặt vật mạ;

2. Xử lý bề mặt vật mạ bằng các phương pháp khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu;

  1. Chuẩn bị bể mạ và dung dịch mạ;

4. Thực hiện quá trình mạ;

5. Hoàn thiện lớp mạ;

6. Kiểm tra, đánh giá chất l ượng sản phẩm.

Nghề Công nghệ mạ có môi trường làm việc độc hại: tiếp xúc với nhiều hóa chất, nhiệt độ cao, dòng điện lớn, dễ cháy nổ, phát sinh nhiều khí bụi kim loại, hơi hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy yêu cầu người lao động phải có sức khỏe tốt, cẩn thận và tính kỷ luật cao. Để làm việc an toàn, hiệu quả người lao động cũng cần phải biết vận dụng các kiến thức, kỹ năng cần thiết của nghề một cách thành thạo và sáng tạo.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

Một số trang thiết bị: Hệ thống thiết bị gia công điện hóa, thiết bị kiểm tra độ bóng, thiết bị siêu âm, điện cực…

Một số dụng cụ, vật liệu: Bể tái sinh, các thiết bị lọc, hóa chất cần thiết, các dụng cụ mài, đánh bóng, chải, phun, sóc, quay, cân và dụng cụ đo thể tích. Vật mạ, bể điều nhiệt, bể mạ và các dụng cụ đo nhiệt độ, pH, dung môi hữu cơ, dung dịch muối kẽm clorua, kẽm sunfat, các chất đệm, tạo phức, các chất phụ gia, chất ổn định….