Chương trình hợp tác với KOSEN (Nhật Bản)

Giới thiệu chung về chương trình hợp tác với Tổ chức KOSEN (NIT) Nhật Bản

1. Một số thông tin cơ bản về Mô hình Giáo dục KOSEN

KOSEN (Tiếng Nhật: 国立高等専門学校, tiếng Anh: National Institute of Technology) là hệ thống các trường Cao đẳng Công nghệ Quốc lập tại Nhật Bản được thành lập năm 1961 nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lớn từ ngành công nghiệp khi nền công nghiệp Nhật Bản đang ở mức phát triển vượt trội. Tổng số các trường KOSEN ở Nhật Bản thời điểm hiện tại là 57 trường (51 trường cấp quốc gia, 3 trường công và 3 trường tư). Đến tháng 3 năm 2020, ước tính hiện có khoảng hơn 400,000 sinh viên tốt nghiệp KOSEN đang tích cực đóng góp cho cả ngành công nghiệp lẫn lĩnh vực học thuật như thiết kế, nghiên cứu, quản lý…

Cốt lõi của chương trình KOSEN là đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ sư có kỹ năng thực hành, sáng tạo và gắn kết chặt chẽ ngành công nghiệp, qua đó, góp phần giải quyết việc làm hiệu quả cho người học.

Các đặc trưng cơ bản của mô hình KOSEN:

– Đào tạo liên tục 5 năm từ độ tuổi 15: Học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn Mô hình Giáo dục KOSEN thay vì vào học THPT. Tuy nhiên, học sinh tốt nghiệp THPT nếu không muốn vào đại học có thể chuyển sang học trường KOSEN để lấy bằng Cao đẳng Công nghệ và học tiếp đại học.

– Đào tạo mô hình chữ V: Nhiều môn học đại cương được giảng dạy trong năm học đầu tiên và giảm dần trong khi các môn chuyên ngành được tăng lên theo từng năm. Mô hình này được xây dựng để tạo ra sự phát triển về kiến thức và kỹ năng theo hình xoắn ốc đi lên nhằm giúp sinh viên phát triển kỹ năng học tập của mình thông qua ba giai đoạn: học lý thuyết, nghiên cứu và thực hành.

– Hợp tác với ngành công nghiệp địa phương và toàn quốc thông qua việc thực tập cùng các chương trình hợp tác giáo dục khác.

– Các lĩnh vực đào tạo chính của Tổ chức KOSEN: Cơ khí – Vật liệu; Công nghệ thông tin; Xây dựng; Kỹ thuật hàng hải; Điện – Điện tử; Công nghệ sinh học và hóa học và Lĩnh vực chuyên ngành đặc thù khác nhằm đáp ứng nhu cầu linh hoạt của thị trường lao động.

– KOSEN sử dụng xuyên suốt phương pháp học tập trên nền tảng giải quyết vấn đề PBL(problem – based learning) trong chương trình giảng dạy. Phương pháp sư phạm lấy học sinh làm trung tâm giúp học sinh phát huy kỹ năng học tập tích cực, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng tư duy phản biện. Đồng thời, người học được rèn luyện và phát triển các kỹ năng cần thiết như: thói quen tốt trong khi làm việc/kỹ năng đọc và phân tích tài liệu, tìm kiếm và đánh giá tài liệu nghiên cứu, tranh luận khoa học, làm việc tập thể, và nhanh chóng tiếp cận với những vấn đề thực tiễn. Phương pháp giảng dạy này đòi hỏi giáo viên phải bỏ nhiều thời gian vào khâu chuẩn bị và nguồn lực để hỗ trợ người học tốt nhất. Ngoài ra phương pháp này giúp giáo viên không ngừng học hỏi và tự hoàn thiện kiến thức bản thân để đáp ứng nhu cầu của người học trong mô hình giáo dục KOSEN, hơn 80% giảng viên là những người có trình độ cao về chuyên môn. Bên cạnh đó, các trường KOSEN được đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ đào tạo rất hiện đại để các học sinh có thể thích nghi nhanh chóng với việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong năm cuối, người học được dành phần lớn thời gian để làm các nghiên cứu tốt nghiệp cho đề án ra trường của mình dưới sự hướng dẫn của giáo viên chuyên ngành nhằm phát huy tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Công tác giáo dục về định hướng nghề được đưa vào từ những năm đầu tại trường KOSEN bằng các buổi trò chuyện và truyền tải thông tin từ đàn anh lớp trên tới sinh viên lớp dưới. Trước khi tốt nghiệp vào hai năm cuối, người học được đi thực tập tại các công ty trên khắp Nhật Bản vào các kỳ nghỉ hè. Tính hấp dẫn của các trường KOSEN không chỉ là chất lượng đào tạo tốt mà còn có nhiều cơ hội cho sinh viên tự phát triển và thể hiện mình. Khoảng 99% sinh viên tốt nghiệp từ các trường KOSEN tìm được việc làm và làm các công việc đúng chuyên ngành học tập của mình.

2. Hợp tác giữa Việt Nam và tổ chức KOSEN

Tổ chức KOSEN vào ngày 12/01/2017 đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bộ Công thương (MOIT) và ngày 13/01/2017 đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA). Trên cơ sở đó, 03 cơ quan đã bắt đầu triển khai công tác nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư thực hành tại Việt Nam.

Liên quan đến việc triển khai mô hình giáo dục KOSEN trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam – Nhật Bản, đã có những thỏa thuận chung như sau:

– Trong “Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản” ngày 06/6/2017 có đoạn “26. Hai bên cũng hợp tác thiết lập văn phòng đại diện của Tổ chức KOSEN (NIT) tại Hà Nội nhằm góp phần cải thiện chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam”.

– Trong “Tuyên bố chung Nhật Bản – Việt Nam nhân dịp Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang sang thăm Nhật Bản cấp nhà nước” ngày 31/5/2018 có đoạn “17. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm thiết lập văn phòng đại diện của Tổ chức KOSEN Nhật Bản, nghiên cứu để áp dụng Mô hình Giáo dục KOSEN Nhật Bản”.

– Tổ chức KOSEN Nhật Bản với sự hỗ trợ của MOIT và MOLISA đã tổ chức được “Diễn đàn KOSEN tại Hà Nội” vào ngày 03/7/2018 và ở đó đã tuyên truyền, quảng bá được về những hoạt động hợp tác của 03 cơ quan trong việc triển khai Mô hình Giáo dục KOSEN tới các đại biểu tham dự của Việt Nam.

Nối tiếp các hoạt động trên và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức KOSEN hơn nữa, ngày 01 tháng 7 năm 2019, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp và Tổ chức KOSEN đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tiếp các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới áp dụng Mô hình Giáo dục KOSEN tại Việt Nam. Các nội dung hợp tác gồm:

– Thành lập Văn phòng Đại diện KOSEN tại Việt Nam;

– Tổ chức xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN cho hệ 03 năm và 05 năm tại các trường thí điểm;

– Triển khai tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ quản lý, giáo viên về đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN tại các trường thí điểm KOSEN tại Việt Nam;

– Tổ chức trao đổi giáo viên, sinh viên;

– Chuyển giao phương pháp giảng dạy, tài liệu giảng dạy theo Mô hình Giáo dục KOSEN;

– Trao đổi thông tin về thiết bị đào tạo, vật liệu thí nghiệm và tư vấn kỹ thuật trong khuôn khổ thực hiện thí điểm đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN;

– Thúc đẩy hoạt động hợp tác, gắn kết giữa các trường đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN và các doanh nghiệp của hai nước;

– Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi về việc phát triển Mô hình Giáo dục KOSEN tại Việt Nam;

– Nghiên cứu, thành lập Ủy ban chứng nhận KOSEN tại Việt Nam.

Hai bên đã cam kết trách nhiệm cùng triển khai các nội dung hợp tác. Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp có trách nhiệm đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN tại Việt Nam; lựa chọn các trường và ngành, nghề thực hiện thí điểm đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN tại Việt Nam; phối hợp với Tổ chức KOSEN tổ chức tập huấn ngắn hạn, dài hạn; tổ chức các hội nghị, hội thảo và triển khai các hoạt động hợp tác khác liên quan tới việc phát triển Mô hình Giáo dục KOSEN tại Việt Nam. Trong khi đó, Tổ chức KOSEN sẽ hỗ trợ kỹ thuật và các tư vấn cần thiết khác để triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai bên; kết nối để sinh viên tham gia chương trình KOSEN tại Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình kỹ sư bậc cao hoặc làm viêc trong doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam./.