Trong bối cảnh đại dịch COVID – 19 đã mang lại những thách thức chưa từng có và những tác động tiêu cực đáng kể không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà còn làm thay đổi môi trường kinh doanh trên toàn cầu. Trước tình thế đó, sự xuất hiện của nhiều xu thế mới làm thay đổi tư duy, quan điểm về cách thức kinh doanh truyền thống, đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho công tác hoạch định và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng như thế nào trước những sự thay đổi này, phải chăng những giải pháp về công nghệ hay nguồn nhân lực sở hữu đa kỹ năng chính là lời giải đáp? Về phía Nhà trường cần có những thay đổi nào trong chiến lược đào tạo nhằm tạo cho sinh viên sự thích ứng linh hoạt trước những yêu cầu mới trong thị trường lao động?
Trước thực tế đó, vào lúc 9h – 12h ngày 25 tháng 08 năm 2021 – Hội thảo quốc tế trực tuyến với tên gọi: “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro” được tổ chức thành công và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đây là một hoạt động thuộc chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam là đơn vị đồng tổ chức.
Sự thành công của hội thảo đã cho thấy sự chung tay từ Ba Nhà: Nhà nước – Nhà trường/Viện – Nhà doanh nghiệp trong công cuộc vì một mục tiêu chung là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics Việt Nam.
Hội thảo diễn ra với phát biểu khai mạc đến từ:
1. Đại diện ĐSQ Úc- Ông Brendon Brooker, Bí thư 2, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam – đại diện đơn vị tài trợ
2. Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET) – đơn vị trực tiếp hợp tác trong các dự án của Aus4skills
3. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương. Chủ tịch danh dự Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA)
4. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)-đại diện đơn vị tổ chức hội thảo
Tham dự hội thảo, gồm các bài trình bày và chia sẻ của nhiều chuyên gia về lĩnh vực đào tạo, các chuyên gia trong nước và doanh nghiệp logistics tiêu biểu như:
- PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) kiêm trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia Tp HCM
- Ông Vũ Đức Thịnh – Tổng giám đốc Lazada Logistics Việt Nam
- Bà Tăng Thị Phương Anh – Giám đốc nhân sự, Công ty CP Gemadept
- Ông Nguyễn Thanh Bình – Tổng Giám đốc, Công ty CP Gemadept
- Ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing , Tổng CTy Tân Cảng Sài gòn
- Ông Nguyễn Duy Hồng – Phó Tổng Giám Đốc, Smartlog
- Ông Vũ Ninh – Chủ Tịch LIRC (Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề – ngành Logistics)
- ThS. Dương Quốc Việt – Phó trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức
- TS. Lê Quang Trung: Phó Chủ tịch VLA, Phó tổng Giám đốc Tổng cty Hàng hải Việt Nam (VIMC)
- Bà Bùi Thị Ninh – Giám đốc, Văn phòng Giới sử dụng Lao động, VCCI chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh
- TS. Trần Thị Thu Hương – Phó trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội VALOMA kiêm Trưởng Bộ môn Logistics Kinh doanh, Trường Đại học Thương mại
- Giáo sư Hans-Dietrich Haasis – Đại học Bremen (Đức) – Chủ tịch của Mạng lưới tri thức Châu Á-Đức AGKN (Asian-German Knowledge Network);
Trong gần 4 tiếng làm việc hiệu quả, hội thảo đã lắng nghe sáu tham luận quan trọng về các vấn đề liên quan đến thực trạng nguồn nhân lực và nhu cầu tuyển dụng nhân lực dưới nhiều góc nhìn từ các chuyên gia đến các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước. Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đã chủ động thực hiện khảo sát chuyên sâu các doanh nghiệp logistics trong thời gian tháng 7-8/2021, từ đó tạo cơ sở, tiền đề nhằm đánh giá thực trạng, qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực nhân lực logistics Việt Nam có khả năng thích ứng trước những biến động và rủi ro – đây là một trong những bước ngoặt làm nên thành công của buổi hội thảo.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện ban tổ chức, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI-VLA)-Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia Tp HCM đã chỉ ra thực trạng nguồn nhân lực logistics Việt Nam trong bối cảnh hiện nay kết hợp xây dựng mô hình nghiên cứu để xác định các nhóm kỹ năng cần thiết trang bị cho nhân lực logistics. Trên cơ sở đó, đề xuất một số nhóm giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam hướng đến thích ứng trước những biến động và rủi ro như: Thứ nhất, hoàn thiện bộ kỹ năng nghề (OS, OSS) với sự tham gia góp ý xây dựng từ phía nhà trường và cả doanh nghiệp. Thứ hai, một cơ sở đào tạo nói chung cần có sự quan tâm đến công tác đào tạo và nâng cao chất lượng giảng viên đặc biệt trong lĩnh vực logistics thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn như FIATA Diploma in International Freight Management hoặc FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management hay các chương trình đào tạo của AFFA…Thứ ba, cần có sự chung tay của Ba Nhà: Nhà nước – Nhà trường– Nhà doanh nghiệp. Thứ tư, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm thích ứng với sự biến động và rủi ro.

Chú thích ảnh: Dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực logistics tại Việt Nam của PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa
Thêm vào đó, hội thảo cũng là cơ hội để các bên trao đổi và chia sẻ về chủ đề nhằm tạo ra những sáng kiến và cách thức tư duy mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam như:
Chủ đề: Công nghệ và chuyển đổi số trong logistics
Tại hội thảo, Giáo sư Hans-Dietrich Haasis – Đại học Bremen (Đức) – Chủ tịch của AGKN (Asian-German Knowledge Network) là một trong những trường đại học rất nổi tiếng ở Đức về quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics đã nhận định về các xu hướng trong lĩnh vực logistics trên thế giới như: Số hóa (Digitalization), tự động hóa (Automation and Self-Control), điện khí hóa (Electrification)… Từ phân tích, chia sẻ các su hướng đó Giáo sư Hans-Dietrich Haasis cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng logistics như: nghiên cứu và cải thiện chương trình đào tạo logistics, đặc biệt là chương trình học Thạc sĩ về Kỹ thuật Công nghiệp tập trung vào Quản trị logistics và Kỹ thuật…
Đại diện các doanh nghiệp logistics như Ông Nguyễn Thanh Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadetp; Ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing của Tổng CT Tân Cảng Sài Gòn và Ông Nguyễn Duy Hồng – Phó Tổng Giám đốc của Smartlog, cũng nhận định rất rõ tầm quan trọng của công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics.
Chủ đề: Quản trị rủi ro nguồn nhân lực logistics
Giáo sư Devinder Grewal – Viện Logistics Vận tải và Hàng hải Úc đã nhận định “Những thay đổi trong môi trường đó là: tự động hóa và robot được thúc đẩy bởi AI, đòi hỏi sự thay đổi từ nguồn nhân lực, từ đó cần sự phối hợp của các bên Nhà trường, Nhà nước và Nhà doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tạo ra các kỹ năng mới thích ứng với môi trường thay đổi”. Đặc biệt với chủ đề này có sự tham gia chia sẻ của Ông Vũ Ninh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề – Ngành logistics (LIRC). Hiện nay, LIRC giữ một vai trò quan trọng trong việc xác định nhu cầu phát triển kỹ năng của ngành logistics và LIRC cũng là cầu nối trong sự kết hợp giữa các doanh nghiệp sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nghề. Ngoài ra, có đại diện của nhà trường là ThS. Dương Quốc Việt, Phó trưởng khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Cao Đẳng Công Nghệ Thủ Đức và đại diện đến từ doanh nghiệp là Ông Vũ Đức Thịnh – Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam.
Chủ đề: Sự thích ứng của các cơ sở đào tạo trong bối cảnh thay đổi của môi trường kinh tế – xã hội
Đến với hội thảo ông Stephen McDermott, Viện trưởng Viện Logistics FIATA (FLI) – Giám đốc Đào tạo và Marketing (Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế Canada) đã chia sẻ rõ hiện trạng của nguồn nhân lực từ đó đưa ra nhiều các giải pháp cho các cơ sở đào tạo trong bối cảnh đổi thay của môi trường kinh tế xã hội. Ngoài ra, chủ đề sự thích ứng của các cơ sở đào tạo nhận được sự chia sẻ từ TS. Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch VLA và Bà Bùi Thị Ninh – Giám đốc Văn Phòng Giới Sử Dụng Lao Động, VCCI Tp. Hồ Chí Minh kết hợp với sự chia sẻ của TS. Trần Thị Thu Hương – Phó trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội VALOMA – Trưởng Bộ môn Logistics Kinh doanh, Trường Đại học Thương mại.
Đặc biệt, trong khuôn khổ của hội thảo này, tại Hội thảo đã diễn ra ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và AGKN (Asian-German Knowledge Network) –Mạng lưới kết nối tri thức về nghiên cứu, tư vấn, đào tạo tập trung vào giao thông vận tải và kho vận giữa Châu Á-Đức cũng đã diễn ra. Qua đó thể hiện rõ vai trò và sứ mệnh của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) với tư cách là một trong những đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo về logistics và chuỗi cung ứng được Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) giao phó. Giờ đây, VLI ngày càng khẳng định mình khi vươn tầm ra quốc tế với các chương trình đào tạo về logistics, chuỗi cung ứng theo các chuẩn quốc tế như: FIATA Diploma in International Freight Management, FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management, chương trình đào tạo của AFFA, …
Ngoài ra, căn cứ theo định hướng từ phía Chính phủ, thông qua Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017, về việc “Phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025” đã nêu rõ tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong công cuộc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics: “Xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ quốc gia đào tạo nghề về logistics tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc tế. Các cơ sở đào tạo nghề triển khai đào tạo nghề liên quan đến logistics”. Do đó, sự thành công của hội thảo cũng là một bước tiến quan trọng khẳng định sự phối hợp giữa VLA/VLI và Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) trong việc thực hiện chung sứ mệnh nâng cao s Việt Nam theo trình độ chung của khu vực và quốc tế.
Logistics là một ngành kinh tế đa ngành, mang tính thời đại sâu sắc, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, logistics không chỉ chịu tác động từ sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa và các mô hình quản trị logistics tiên tiến mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng cho một giai đoạn mới, những thay đổi mới với những tiền đề được đặt ra bởi Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0.
Bế mạc hội nghị trực tuyến quan trọng này, Ông Michael Sadlon, Giám đốc chương trình Aus4Skills kêu gọi các bên liên quan cùng tin tưởng với sự chung tay của Nhà nước, Nhà trường, Doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh rằng hội nghị đã đưa ra những định hướng để phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nhằm thích ứng trước những biến động và rủi ro, cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cấp thiết của việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực để từ đó hướng đến sự phát triển bền vững và đặc biệt là các đề xuất, giải pháp trong hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam./.
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:
Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI)
E: KhuongNG@Vli.edu.vn
P: 0903.83.81.82