Quản trị khu resort

Giới thiệu chung về nghề

Quản trị khu resort gắn với trách nhiệm chính là quản lý trực tiếp các hoạt động hàng ngày của các bộ phận trực tiếp và gián tiếp phục vụ khách du lịch như: lễ tân, buồng, nhà hàng, chế biến món ăn, dịch vụ giải trí, dịch vụ spa, kế toán, bán hàng và marketing, nhân sự,… Phạm vi công việc và nhiệm vụ cụ thể hàng ngày, tuần, tháng của các khách sạn khác nhau về quy mô, cấp hạng và tính chất.

Các vị trí làm việc của nghề

Người lao động tham gia trong nghề Quản trị khu resort có thể làm việc độc lập và làm việc theo nhóm tại các bộ phận lưu trú, ăn uống, hội nghị/hội thảo hoặc bộ phận giải trí và spa; có thể đảm đương được các vị trí nhân viên nghiệp vụ trực tiếp phục vụ khách. Tuỳ theo môi trường làm việc và khả năng của cá nhân, người lao động có thể đảm nhận các vị trí giám sát tại các khu resort lớn, quản lý bộ phận tại các khu resort vừa hoặc quản lý khu resort nhỏ.

Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề

  • Quản lý toàn bộ hoạt động của khu resort (Quản lý chung);
  • Quản lý bộ phận buồng;
  • Quản lý bộ phận lễ tân;
  • Quản lý bộ phận chế biến món ăn;
  • Quản lý dịch vụ giải trí;
  • Quản lý nhân sự hành chính;
  • Quản lý bán hàng và tiếp thị;
  • Quản lý cơ sở vật chất – kỹ thuật;
  • Quản lý tài chính;
  • Quản lý an ninh an toàn;
  • Quản lý cảnh quan sân vườn;
  • Quản lý khu biệt thự (Villa Management).

Nghề Quản trị khu resort đòi hỏi người lao động phải thực hiện các công việc từ thấp đến cao. Muốn thực hiện được công việc quản trị khu resort, trước hết, người lao động phải thực hiện tốt các nghiệp vụ trực tiếp phục vụ khách hàng. Ngoài ra, nghề Quản trị khu resort đòi hỏi nguời lao động phải có năng lực chỉ đạo, giám sát kiểm tra các công việc nêu trên và phải có trình độ ngoại ngữ thích ứng với từng cấp quản trị.

Cường độ làm việc không cao nhưng chịu áp lực lớn về thời gian phục vụ và yêu cầu bảo đảm sự hài lòng đa dạng của khách du lịch. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, cần phải bảo đảm các điều kiện làm việc thiết yếu như: Kiến trúc nhà cửa và quy hoạch mặt bằng khu resort hợp lý, cảnh quan sân vườn, an ninh – an toàn với các loại thiết bị, dụng cụ phù hợp tiêu chuẩn của từng công việc; các phần mềm quản trị; hệ thống thông tin liên lạc tốt; và có các quy định nội bộ về chuẩn cung cấp dịch vụ và quản lý.

Để hành nghề, người lao động phải có sức khỏe tốt, có ngoại hình phù hợp, đạo đức nghề nghiệp tốt, có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng với vị trí công việc. Ngoài ra, cần phải thường xuyên học tập để nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, mở rộng kiến thức xã hội; rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết, rõ ràng; xây dựng ý thức nghề và sự say mê nghề.

Một số trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu chủ yếu của nghề

Quản lý khu resort là một nghề mang tính dịch vụ. Trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu của nghề tương đối đơn giản như: Máy điện thoại, máy fax, máy vi tính, bút, giấy… Một số dụng cụ, vật liệu chủ yếu phục vụ nghề như: Sơ đồ đặt buồng quy ước, sơ đồ mật độ buồng, bảng sơ đồ buồng, hồ sơ mã giá đặt buồng, bảng giá, phiếu xác nhận đặt buồng, danh mục các dịch vụ kinh doanh, danh mục các địa điểm kinh doanh…